Vụ bún độc: Dân lo âu, quan còn lo cãi

Sau khi báo chí đưa tin do Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng (thuộc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) cung cấp về một số siêu thị kinh doanh bún chứa chất độc hại, các cơ sở sản xuất và kinh doanh đã đề nghị Sở Công Thương TP.HCM xác định lại tính xác thực của thông tin để định hướng người tiêu dùng.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, phát biểu như trên tại buổi làm việc với một số cơ quan chức năng và các siêu thị vào ngày 25-7.

Đại diện một số siêu thị cho rằng bún đưa vào siêu thị có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Các siêu thị cũng tự lấy mẫu bún đi phân tích với kết quả đều đạt. Các siêu thị phản ánh sau khi thông tin bún chứa độc tố đăng tải trên báo kèm tên doanh nghiệp phân phối thì lượng bún bán ra có chiều hướng giảm.

Vụ bún độc: Dân lo âu, quan còn lo cãi ảnh 1

Một cơ sở ở Gò Vấp (TP.HCM) sản xuất bún đạt yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: TRẦN NGỌC

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho biết chi cục đã liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng (gọi tắt là Trung tâm) để kiểm tra độ chính xác và phương pháp lấy mẫu, đơn vị kiểm định.

Ông cho biết nếu lấy mẫu để làm cơ sở xử lý thì Bộ Y tế quy định người lấy mẫu phải có chứng chỉ. Ông cảnh báo việc công bố thông tin sẽ ảnh hưởng nhiều mặt. Nếu mục đích nhằm cảnh báo cơ quan chức năng để đưa ra các giải pháp quản lý thì rất tốt. Bằng ngược lại sẽ gây hoảng loạn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, ghi nhận Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng có quyền kiểm định các sản phẩm nghi ngờ. Tuy nhiên, Trung tâm công bố kết quả khảo sát bún, bánh canh, bánh phở… cho báo chí mà không thông qua cơ quan quản lý nhà nước là trái quy định pháp luật.

Ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng lấy mẫu bún, bánh canh, bánh phở… để xét nghiệm và tự công bố cho báo chí là sai quy định.

Ông nói: “… Khi thông tin chứa nội dung kết luận các vi phạm thì phải bảo đảm chính xác và đúng quy định pháp luật để không ảnh hưởng hoạt động kinh doanh và người tiêu dùng”. Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cũng đồng quan điểm như trên.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã cố gắng liên lạc điện thoại với Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng để trao đổi những vấn đề liên quan nhưng bất thành.

Sao không trả lời thẳng: Có hay không?

Ngày 24-7, trả lời báo chí, một phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng mình chỉ biết thông tin bún, bánh canh, bánh phở… có độc tố thông qua báo chí. Và khi có thông tin về tinopal, Sở đã lập các đoàn để kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Tại cuộc họp sáng 25-7, Sở Công Thương TP.HCM còn trách lẽ ra khi có kết quả khảo sát bún, bánh phở, bánh canh… thì Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng nên báo cáo Sở chứ không nên cung cấp trước cho báo chí.

Tuy nhiên, có một điều ít ai biết. Đầu tháng 7, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM đã có kết quả khảo sát 7/7 mẫu bún ở TP.HCM nhiễm tinopal. Ngay sau đó, ngày 5-7, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM đã có Công văn số 4455 yêu cầu Sở Công Thương triển khai ngay một số nội dung quan trọng, trong đó có lấy mẫu bún kiểm tra, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, xử lý các trường hợp vi phạm, thông tin những cơ sở sai phạm trên báo đài…

Thế nhưng Sở vẫn chưa vào cuộc. Như vậy xem như bún độc vẫn ngang nhiên bán tràn lan. Chỉ đến khi báo chí công bố kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng vào ngày 23-7 thì Sở mới triển khai kiểm tra.

Vấn đề đặt ra: Tại sao Sở Công Thương TP chưa thực thi rốt ráo công văn của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM?

TN

Sau khi có thông tin bún nhiễm chất độc tinopal (chất tăng trắng quang học), bà Phạm Thị Mai, chủ cơ sở bún tươi Kiều Trang, cho biết trước đây mỗi ngày cơ sở cho ra lò hai tấn bún thì nay chỉ còn một tấn. Tương tự, cơ sở bún tươi Tú Linh của ông Đỗ Công Điều cho biết lượng bún bán ra sụt một nửa. Ông Điều đề nghị cơ quan quản lý nhà nước mau chóng có biện pháp giúp các cơ sở sản xuất bún hoạt động trở lại bình thường.

______________________________________

Đối với báo chí, khi nhận được thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng cũng phải phối kiểm với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Sở Công Thương TP.HCM, để xem kiểm định của Trung tâm có đúng quy định Nhà nước hay không. Do đó, khi báo chí nêu đích danh doanh nghiệp thì vừa gây thiệt hại cho nhà sản xuất và phân phối, vừa gây hoang mang người tiêu dùng.

Bà PHAN THỊ VIỆT THU, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm