Đừng dại xăm trổ chui mà dính bệnh!

Trong vai khách hàng, chúng tôi bước vào một tiệm xăm trổ trên đường Phùng Văn Cung (Phú Nhuận, TP.HCM). Chủ tiệm đang bận xăm cho một khách nam, nói chúng tôi ngồi đợi một lát rồi quay lại công việc. Theo từng mũi kim xăm của anh N. (tên chủ tiệm), một thứ máu loãng rỉ ra từ vết xăm trên vai người khách, vùng da ửng hồng lên và dần hiện ra một hình thù quái dị.

“Nếu khách không sợ thì… chơi luôn”

Anh N. mang găng cả hai tay, máy xăm cũng được bọc trong một lớp nylon. Nước mô (nằm dưới lớp da) và máu rỉ ra từ vết xăm được liên tục lau bằng bông gòn có tẩm một thứ hóa chất mà theo chủ tiệm vừa có tác dụng làm sạch vết mực lem vừa khử trùng vết xăm.

Chúng tôi hỏi về biện pháp đề phòng lây bệnh truyền nhiễm khi xăm, anh N. khẳng định cứ mỗi khách anh dùng một bộ kim và mực riêng, xăm xong rồi bỏ. Chúng tôi lại hỏi làm thế nào để không chảy máu, anh N. giải thích cũng tùy người. Trong quá trình xăm khách thường bị chảy nước mô. Nếu khách bị máu loãng hoặc uống nhiều nước, nhiều rượu bia thì dễ bị chảy máu khi xăm. “Trong những trường hợp này thì tôi từ chối xăm vì dễ nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu khách không sợ mà vẫn yêu cầu thì tôi… chơi luôn” - anh N. nói.

Xăm trổ làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường máu. Ảnh: TRẦN NGỌC

Chúng tôi khen đường xăm của anh N… thẳng hàng, chủ tiệm ra vẻ… khoái. Nhưng khi hỏi về tay nghề chuyên môn thì anh cho biết chủ yếu là học nghề qua bạn bè, người quen. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tới những chỗ xăm không có cửa hiệu nằm sâu trong những con hẻm kế cận thì anh N. khuyên: “Đừng có dại đến đó. Bọn chúng làm nghề xăm dạo không địa chỉ, không đảm bảo an toàn đâu”. Anh N. cho biết tiệm anh được UBND quận Phú Nhuận cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho loại hình “xăm phun nghệ thuật” hẳn hoi. Nhưng khi hỏi thêm về giấy phép hành nghề của ngành y tế thì chủ tiệm lắc đầu nói: “Chẳng nghe ai nói tới mấy giấy tờ này”.

Khách lim dim như đang… phê thuốc

Ngày hôm sau chúng tôi tìm đến một điểm xăm không bảng hiệu ở phường 11, quận 10. Tiệm chỉ khoảng 25 m2 nhưng khách khá nhiều và đủ thành phần; trong đó vài người vai u thịt bắp, tướng tá bặm trợn khiến chúng tôi hơi ngại.

Sau khi tìm chỗ ngồi, chúng tôi thấy một thợ xăm đang xăm trổ hình con cọp đang vồ mồi chiếm hết lưng một vị khách. Nước mô, máu, mực và cả mồ hôi trên lưng chảy thành giọt. Người thợ xăm liên tục lau bằng chiếc khăn đã ngả sang màu mực pha lẫn máu. Đôi mắt khách lim dim như người đang… phê thuốc. Nếu kim, mực xăm không đảm bảo an toàn thì nguy cơ lây các bệnh qua đường máu là điều khó tránh khỏi.

Tại một điểm xăm trổ không bảng hiệu khác trong một con hẻm nhỏ trên đường Trường Chinh (phường 4, Tân Bình), chúng tôi thấy chủ tiệm đang xăm cho khách với kim và hộp mực xăm trông chẳng mấy sạch sẽ. Máu rỉ ra từ vết xăm. Người thợ xăm thản nhiên nhúng kim xăm dính máu vô hộp mực rồi tiếp tục xăm trổ. Thấy chúng tôi, anh thợ xăm hỏi ai giới thiệu mà đến đây. Chúng tôi nói biết qua “chiến hữu” rồi hỏi xăm ở đây có an toàn không. Anh thợ cười: “Yên tâm, tui làm ở đây gần một năm rồi, chẳng ai đến kiểm tra gì hết”.

Có lẽ do không ai quản lý mà hiện nay các tiệm xăm trổ chui mọc lên nhan nhản nhiều nơi ở TP.HCM.

Không ai quản lý

TS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, nhấn mạnh: “Những người xăm trổ có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh qua đường máu như HIV, viêm gan siêu vi B và C rất cao”. Nhưng hiện nay loại hình xăm trổ này chưa được đưa vào diện dịch vụ có quản lý.

Một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM (không muốn nêu tên) cho biết do không thuộc diện quản lý nên thanh tra Sở Y tế TP chưa từng kiểm tra bất kỳ tiệm xăm trổ nào. “Trong khi đó xăm môi, xăm lông mày… thực hiện tại các phòng phẫu thuật thẩm mỹ lại nằm trong diện quản lý theo Thông tư 41/2011 của Bộ Y tế. Để đảm bảo an toàn cho người xăm trổ, thiết nghĩ Bộ Y tế nên nhanh chóng nghiên cứu và đưa ra các điều kiện để quản lý dịch vụ xăm trổ” - vị này nói.

Những tai biến có thể xảy ra

Khi xăm phải dùng dụng cụ nhọn xuyên qua da và đưa các chất màu vào sâu trong da, do vậy có thể xảy ra tai biến. Khi xuyên kim qua da làm da bị tổn thương, vùng tổn thương nếu không được sát khuẩn và chăm sóc cẩn thận sẽ bị nhiễm khuẩn. Hơn nữa, khi đưa các chất tạo màu sắc cho các vết xăm có thể gây phản ứng của da với các chất đó. Phản ứng xảy ra gây ngứa, rấm rứt, đỏ, phù nề. Phản ứng có thể xảy ra sớm nhưng thường xảy ra sau vài tuần lễ hoặc hằng năm. Đôi khi phản ứng lan rộng ngoài vùng xăm gây eczema, viêm da tiếp xúc hoặc nặng hơn là viêm da tróc vảy. Một số trường hợp gây phản ứng viêm dạng u hạt rất khó điều trị.

Không những da bị ảnh hưởng, khi xăm mình còn có thể lây một số bệnh truyền nhiễm do người xăm vô khuẩn dụng cụ không cẩn thận. Những hậu quả có thể xảy ra là nhiễm khuẩn làm cho nơi xăm bị viêm mủ. Y học đã gặp một số trường hợp bị mắc giang mai, bệnh phong, lao do xăm. Ngày nay xăm còn có thể làm lây nhiễm các bệnh nghiêm trọng hơn như viêm gan virus B, C, HIV.

PGS-TS NGUYỄN DUY HƯNG,
Tổng Thư ký Hội Da liễu Việt Nam

(Theo báo Sức Khỏe và Đời Sống)

Xăm trổ là quyền tự do của mỗi người. Tuy nhiên, quyền tự do đó phải hài hòa với điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn.

Đưa dịch vụ xăm trổ vào diện quản lý là đề xuất hay, đáng quan tâm. Hiện ngành y tế đang trong giai đoạn xây dựng Luật Hiến máu, ban soạn thảo sẽ tiếp thu và nghiên cứu thật kỹ đề xuất nói trên nhằm mục đích đảm bảo an toàn sức khỏe cho mọi người.

PGS-TS LƯƠNG NGỌC KHUÊ,
Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm