Giả chứng chỉ hành nghề ‘móc túi’ người bệnh

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 và Thông tư 41/2011 của Bộ Y tế, người hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề (CCHN), cơ sở khám, chữa bệnh phải có giấy phép hoạt động (GPHĐ). “Thời gian qua, trong hồ sơ nộp vào Sở Y tế TP.HCM xin cấp CCHN, GPHĐ, chúng tôi đã phát hiện hàng loạt giấy tờ giả đủ loại” - TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết.

Qua mặt cả Sở Y tế

Ngày 20-7, Sở Y tế TP.HCM có công văn gửi Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83)- Công an TP.HCM đề nghị điều tra và xử lý theo quy định về trường hợp sử dụng bằng dược sĩ, bảng điểm, giấy xác nhận đào tạo và tốt nghiệp giả Trường ĐH Dược Hà Nội của bà Lê Thị Kim Chi (40 tuổi, quận 10).

Trước đó, bà Chi dùng bằng DS liên thông tốt nghiệp năm 2013 cùng bảng điểm của Trường ĐH Dược Hà Nội... đã được chứng thực đến Sở Y tế TP xin cấp CCHN dược. Tháng 12-2014, bà Chi được cấp CCHN. Ngày 31-5 vừa qua, bà Chi có đơn đề nghị Sở Y tế TP cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc do bà phụ trách chuyên môn tại địa điểm B2.01.03, khu căn hộ Giai Việt (340 Tạ Quang Bửu, phường 5, quận 8) với tên nhà thuốc Hạnh Phúc. Khi Sở Y tế TP tiến hành xác minh hồ sơ thì đột ngột bà Chi xin rút hồ sơ. Thấy có dấu hiệu khả nghi, Sở Y tế TP tiến hành xác minh bằng dược sĩ của bà Chi tại Trường ĐH Dược Hà Nội và nhận được phản hồi trường này không cấp bằng tốt nghiệp ĐH ngành dược cho bà Lê Thị Kim Chi. Như vậy bằng ĐH và bảng điểm của bà Chi là giả nhưng qua mặt được Sở Y tế TP và đã được cấp CCHN... thật. May thay vụ việc được phát hiện ngay sau đó.

Nhà thuốc Hạnh Phúc tại quận 8 (TP.HCM) của dược sĩ dỏm Lê Thị Kim Chi đã ngưng hoạt động. (Ảnh chụp chiều 20-7) Ảnh: TÙNG SƠN

Đủ kiểu giấy giả

Trước đó, tháng 4-2015, BV quận 2 (TP.HCM) nhận được công văn của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đề nghị xác minh giấy xác nhận quá trình thực hành của bà Vũ Lương Tố Như (phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM) có phải do BV quận 2 cấp không để cơ quan này có cơ sở cấp CCHN bác sĩ răng-hàm-mặt cho bà Như.

Trước đó, bà Như cung cấp cho Sở Y tế tỉnh Đồng Nai giấy xác nhận quá trình thực hành có nội dung bà là bác sĩ răng-hàm-mặt, tốt nghiệp năm 2011 và từ đó đến năm 2014 thực hành tại BV quận 2. Giám đốc BV quận 2 Trần Văn Khanh khẳng định tại bệnh viện không có ai tên như trên thực hành bác sĩ răng-hàm-mặt. Mẫu giấy chứng nhận không đúng và chữ ký của ông cũng… giả.

Gần đây, trong khi xem xét hồ sơ xin cấp GPHĐ, Phòng Quản lý dịch vụ y dược tư nhân - Sở Y tế TP.HCM phát hiện ông Lương Văn Dũng (quê Bến Tre, chỗ ở Sóc Trăng) sử dụng CCHN… dỏm. CCHN này giả chữ ký của BS Phan Văn Báu, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM (hiện là giám đốc BV 115). Vụ việc chỉ bị phát hiện khi các chuyên viên thấy ngày cấp của CCHN này là 9-9-2013 trong khi vào thời điểm đó BS Báu đã chuyển công tác về làm giám đốc BV 115 (từ đầu tháng 7-2013).

Làm giả bạo hơn là trường hợp ông Ngô Văn Quân (Đồng Nai) xin “tiếp tục” hành nghề dược học cổ truyền tại 63 đường số 5, phường 11, quận 6. Trong hồ sơ gửi đến Sở Y tế TP.HCM xin cấp CCHN mới có bản sao mẫu CCHN cũ đã được công chứng đàng hoàng. Mẫu CCHN này ghi được Sở Y tế TP.HCM cấp ngày 16-12-2014, người ký tên, đóng dấu là PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Tuy nhiên, khi phóng viên cung cấp cho PGS-TS Lan chứng chỉ này, bà Lan khẳng định chữ ký của bà bị giả hoàn toàn.

Thuê giấy thật để hành nghề… phá thai

Tháng 3-1015, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM kiểm tra phòng khám sản phụ khoa Thiên Phước (177 Bis Cách Mạng Tháng 8, phường 5, quận 3) và phát hiện tại đây đang tổ chức phá thai “chui”. Theo đó, phòng khám này đang trong thời gian làm hồ sơ xin GPHĐ (chưa được Sở Y tế TP thẩm định cấp phép) nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động từ… cuối năm 2014. Hồ sơ xin GPHĐ thể hiện BS Hồ Thị Trang đứng tên phụ trách chuyên môn nhưng tại thời điểm kiểm tra không có BS Trang mà chỉ thấy một số người lạ thực hiện nạo phá thai. Thanh tra đấu tranh với những người này để làm rõ hành vi, cuối cùng đại diện phòng khám thừa nhận thuê CCHN của BS Trang. Với hành vi thuê mướn CCHN, phòng khám bị phạt 35 triệu đồng và đình chỉ hoạt động.

Trước đó, Thanh tra Sở Y tế TP phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP đã thanh tra phòng khám Hiệp Hòa (quận Tân Bình). Đây là phòng khám do bác sĩ Việt Nam đứng tên, không đăng ký có bác sĩ nước ngoài nhưng tại thời điểm kiểm tra không có bác sĩ nào người Việt Nam mà chỉ có tám người Trung Quốc khám, chữa bệnh. Người phụ trách chuyên môn ở phòng khám theo đăng ký trên giấy phép là BS Tôn Thanh Minh đã nghỉ việc từ ngày 29-4. Các bác sĩ đăng ký phụ trách chuyên môn cũng không có mặt tại phòng khám. Thanh tra Sở đã quyết định đình chỉ hoạt động phòng khám này.

Đổ về TP.HCM cho thuê chứng chỉ hành nghề

Theo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, gần đây có tình trạng dược sĩ ở các tỉnh đổ xô về TP.HCM cho thuê CCHN với giá 5-7 triệu đồng/tháng. Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP phát hiện gần 10 trường hợp dược sĩ là công chức, viên chức thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành khác đứng tên nhà thuốc tư nhân ở TP.HCM. Trong đó có một dược sĩ đang làm việc ở tận… Thanh Hóa. Theo quy định hiện hành, dược sĩ có CCHN thì được hành nghề trong phạm vi cả nước nhưng khi nhà thuốc hoạt động thì dược sĩ phải có mặt.

Sở Y tế TP còn phát hiện một bác sĩ vừa có CCHN do Sở Y tế tỉnh Cà Mau cấp, vừa có CCHN do Sở Y tế TP.HCM cấp. Sở này cũng đang xử lý trường hợp một dược sĩ đã được cấp CCHN lại đổi giấy CMND và nộp vào Sở Y tế để xin tiếp CCHN thứ hai.

Một số người không có chuyên môn trong lĩnh vực khám, chữa bệnh nhưng dùng giấy CCHN giả hoặc thuê mướn để hành nghề. Nếu các hoạt động này không được kiểm soát thì hậu quả do họ để lại trên người bệnh sẽ rất khó lường.

PGS-TS-BS NGUYỄN HOÀI NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm