Giả danh BV Bạch Mai lừa tiền người bệnh

Ngày 4-10, thông tin từ BV Bạch Mai cho biết thời gian gần đây phòng Công tác xã hội - BV Bạch Mai liên tục nhận được điện thoại của người dân hỏi về thông tin khoa Tiêu hóa của bệnh viện đang có chương trình hỗ trợ 3.000 hộp trà thảo dược cho các bệnh nhân dạ dày.

Các đối tượng lập Fanpage trên Facebook giả danh BV Bạch Mai để lừa tiền người bệnh. Ảnh: BVCC

Cụ thể, ngày 18-9, một người dân tên Th. phản ánh với bệnh viện khi vào mạng xã hội thì thấy có thông tin: "Nhân dịp 100 năm thành lập, Khoa tiêu hóa của BV Bạch Mai quyết định hỗ trợ chi phí 3.000 hộp trà thảo dược trị đau dạ dày cho bà con trên cả nước. Chỉ năm ngày hết trào ngược. Chỉ 30 ngày khỏi dứt điểm. Bà con nào có dấu hiệu: Trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, viêm hang vị, ợ hơi ợ chua khó tiêu… thì nhanh tay nhấn “đăng ký” để được hỗ trợ. Lưu ý: Bà con không bị đau dạ dày hoặc đã nhận hỗ trợ từ lần trước vui lòng không đăng ký để nhường cơ hội cho người thực sự cần”.

Vì đang bị bệnh dạ dày nên chị Th. đã để lại số điện thoại và thông tin cá nhân để đăng ký được nhận sản phẩm. Một lúc sau, chị Th. nhận được điện thoại của một người tự xưng là bác sĩ của Khoa tiêu hóa - BV Bạch Mai để xác nhận lại thông tin chị đã đăng ký. Ngay sau đó, chị lại nhận được cuộc điện thoại của một người khác tự xưng là nhân viên của Khoa dược - BV Bạch Mai hỏi địa chỉ để ship trà đến cho chị và nhắn số tiền chị cần chuẩn bị là 1,3 triệu đồng.

BV Bạch Mai khẳng định “Khoa tiêu hóa không sử dụng Fanpage và khoa cũng không triển khai hoạt động này. Ảnh: BVCC

Ngay sau khi nhận được phản ánh, phòng Công tác xã hội - BV Bạch Mai đã liên hệ với các đơn vị để xác minh sự việc.

TS-BS Vũ Trường Khanh, Trưởng Khoa tiêu hóa - BV Bạch Mai, khẳng định: “Khoa tiêu hóa không sử dụng fanpage và khoa cũng không triển khai hoạt động này. Đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của đơn vị để lừa đảo người dân. Đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ để người dân không phải chịu cảnh tiền mất tật mang”.

Qua đây, BS Khanh cũng khuyến cáo hiện nay tình trạng lợi dụng hình ảnh bác sĩ, đơn vị y tế uy tín để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và lừa đảo người dân trên mạng Internet rất phổ biến. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh tiền mất tật mang. Nếu có bệnh, người dân nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm