Giám sát cá, khô nhiễm chất cấm cách nào?

Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng bàiCá và khô cũng nhiễm chất cấm (12-4), nhiều bạn đọc tỏ vẻ e ngại khi sử dụng một số thực phẩm thủy sản.

Tại chợ An Sương (phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM), bà Hoa tần ngần trước vựa bán cá kèo. “Chồng và hai con tôi khoái món cá kèo nấu lá giang nên tuần nào tôi cũng nấu. Sáng nay định cho cả nhà ăn món này nhưng đọc báo biết cá kèo nuôi có thể nhiễm chất cấm khiến tôi do dự” - bà Hoa nói.

“Lâu nay cứ ngỡ thịt heo với rau nhiễm chất cấm, giờ “đẻ” thêm cá và khô. Riết không biết mua món gì cho an toàn bữa cơm gia đình” - chị bạn hàng trái cây tên Liên chặc lưỡi.

Phải quản lý “đầu nậu”

Ông Nguyễn Thanh Bình từng làm nghề nuôi cá ở tỉnh Bạc Liêu, giờ đang kinh doanh cá kèo trong chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM). Ông Bình cho biết theo quy trình, cá phải được “nuôi lưu” để thải hết hóa chất trong cơ thể, sau đó mới thu hoạch. “Do nhiều người thu hoạch sớm nên tồn dư chất cấm còn trong cá là điều không tránh khỏi” - ông Bình nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, cho biết bằng cảm quan không thể phân biệt cá nhiễm hay không nhiễm chất cấm mà phải phân tích. “Ngoài dùng hóa chất cấm xử lý nguồn nước và diệt ký sinh trùng, người nuôi cá còn sử dụng kháng sinh để trị bệnh cho cá. Và cần khoảng thời gian nhất định con cá mới thải loại hết thuốc” - ông Vĩnh nói.

Kinh doanh cá ở chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM). Ảnh: TRẦN NGỌC

Thông thường đầu nậu ở các tỉnh đứng ra thu mua cá của nhiều người nuôi rồi phân phối lại cho các tiểu thương. Nếu phát hiện cá nhiễm chất cấm, đầu nậu không thể biết cá do người nào nuôi nên không thể truy xuất. “Do vậy, cơ quan chức năng các tỉnh phải đưa đầu nậu vào diện quản lý, buộc ghi chép sổ sách theo dõi khi thu mua cá từ người nuôi. Chỉ có như thế mới mong truy tìm được nguồn gốc cá nhiễm chất cấm” - ông Vĩnh cho biết.

“Cơ quan chức năng các tỉnh cũng cần giám sát chặt những người nuôi cá. Hướng dẫn người nuôi sử dụng những hóa chất và kháng sinh cho phép, kể cả thời gian “nuôi lưu” trước khi thu hoạch” - ông Vĩnh nêu quan điểm.

Chủ yếu bằng niềm tin và uy tín

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, một người nuôi cá tra ở An Giang, cho biết người nuôi cá đầu tư vào ao nuôi và con cá với số vốn rất lớn 5-10 tỉ đồng nên chẳng ai dại gì mà để xảy ra dư lượng kháng sinh hay chất cấm. Theo ông Nguyên, quy trình sản xuất, nuôi cá đều có khâu kiểm soát trước khi xuất bán bằng máy kiểm nghiệm kháng sinh. Chỉ cần xảy ra trường hợp có dư lượng thuốc kháng sinh hay nhiễm hóa chất từ nguồn nước ao nuôi sẽ dẫn đến không chỉ thiệt hại cho người nuôi mà cả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Cũng theo ông Nguyên, việc kiểm tra phát hiện cá, khô bán ở chợ đầu mối Bình Điền “dính” chất cấm, có thể là các hộ nhỏ lẻ, quy mô dưới 30 tấn. “Những hộ nuôi dạng này không quan tâm mấy đến nguồn nước và có khi 15-20 ngày mới lấy nước và thay nước vào ao, nên khi chế biến con cá làm khô thì dư lượng chất cấm vẫn còn tồn tại” - ông Nguyên nói.

Một chủ cơ sở chuyên sản xuất khô cá lóc có bề dày 30 năm ở huyện Thoại Sơn, An Giang cho biết cơ sở của ông chế biến khô cá lóc từ 100% nguyên liệu cá tươi sống và quy trình chế biến sạch, sản phẩm khi xuất bán đều đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. “Tuy nhiên, cái khó là chưa thể xác định cá lóc sống khi mua từ các vựa về liệu có đảm bảo hay không mà chủ yếu từ niềm tin và uy tín với nhau. Nếu muốn, cơ quan chức năng kiểm tra từ các vựa sẽ ra ngay. Còn vấn đề làm sao phân biệt khô cá lóc nào chứa chất cấm và khô cá lóc nào không chứa chất cấm, thực tình làm nghề 30 năm nay nhưng bản thân tôi không thể phân biệt được mà chỉ xác định là khô làm từ cá tươi sống hay cá chết mà thôi” - ông này chia sẻ.

Ông Trương Bảo Toàn, đại diện Công ty TNHH MTV Trương Hải chuyên sản xuất khô cá tra phồng xuất khẩu ở TP Châu Đốc (An Giang), cho biết những công ty xuất khẩu khô cá tra số lượng lớn đều có yêu cầu rất nghiêm ngặt, có hóa đơn, chứng từ để truy xuất nguồn gốc. “Về lâu dài, kể cả hàng thủy sản bán trong nước cũng phải quy định như vậy thì mới ngăn chặn triệt để việc sử dụng chất cấm” - ông Toàn nói.

Theo số liệu của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) công bố ngày 4-4, kết quả đợt khảo sát trực tiếp tình hình sử dụng kháng sinh tại các hộ nuôi trồng thủy sản ở ba tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là Bến Tre, An Giang và Đồng Tháp trong năm 2015 và ba tháng đầu năm 2016 cho thấy có đến 79,4% số hộ nuôi cá tra (cả nuôi thương phẩm và nuôi cá giống) được khảo sát có sử dụng kháng sinh. Tỉ lệ này đối với các hộ nuôi tôm là khoảng 68%.

Cụ thể, kết quả điều tra 139 hộ nuôi cá tra thương phẩm tại ba tỉnh này cho thấy có đến 82,7% số hộ sử dụng kháng sinh. Trong đó, các loại kháng sinh và nguyên liệu kháng sinh bị cấm, hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản như Enrofloxacin, Amoxiline, Tetracycline, Sunfa, Doxycycline… cũng được sử dụng phổ biến.

____________________________________

Những cơ sở vừa nuôi vừa sản xuất được kiểm định hằng tháng trước khi xuất khẩu mà có thương hiệu, bao bì rõ ràng thì chất lượng đảm bảo. Việc nhiễm chất cấm chủ yếu là do người chăn nuôi. Tôi mong rằng ngành chức năng nên thanh tra, kiểm tra làm rõ để lấy lại thương hiệu cho khô cá tra phồng miền Tây.

Ông TRƯƠNG BẢO TOÀN,
đại diện Công ty TNHH MTV Trương Hải

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm