Giọt lệ không vì người tình

Ánh mắt sở dĩ ướt át, long lanh trữ tình là nhờ tuyến nước mắt len lén tráng đều giác mạc với một lớp dịch mỏng. Trên thực tế màn lệ mỏng như sương, dù chủ nhân chẳng có gì để buồn, không để làm đẹp. Màn nước này chủ yếu để bảo vệ giác mạc vì phần này phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài do gia chủ không thể nhắm mắt làm ngơ suốt ngày.

Mắt nào có muốn khô!

Đôi mắt thời nay rõ ràng nếu không khô mới lạ. Ướt át sao nổi nếu tuyến nước mắt bị vét sạch trước áp lực liên tục của tình trạng ô nhiễm môi trường qua khói xe, khói kỹ nghệ, khói thuốc lá, tia tử ngoại... Tình trạng này càng dễ bội tăng trên đối tượng phải sinh hoạt dưới trời nắng gắt, trong phòng quá nóng, hay ngược lại trong phòng quá lạnh, lại thêm quá khô do dùng máy điều hòa không khí liên tục. Thêm vào đó, tuyến nước mắt dù có cố gắng bao nhiêu cũng đành chịu thua vì “kẹt vốn” do gia chủ uống không đủ nước trong giờ làm việc, sau khi đổ mồ hôi vì công việc nặng, thậm chí nhiều khi chỉ vì xông hơi, vì vận động thể dục thể thao mà quên uống nước. Ngay cả trong trường hợp “còn nước” thì tuyến lệ cũng “khó tát” nếu đôi mắt chủ nhân vì cứ trừng trừng nên quên nháy mắt do mải mê theo dõi phim truyện truyền hình nhiều tập, trò chơi vi tính gay cấn, truy cập Internet suốt đêm… Màn nước che kết mạc khi đó bốc hơi liên tục trong khi tuyến lệ càng lúc càng khô dòng nước mắt. Số cầu cao như thế cung nào chịu đời cho thấu!

Muốn mắt đừng khô thì tìm cách ngáp cho thật dài nhiều lần trong ngày, ngáp đúng nghĩa chảy nước mắt.

Phòng cháy bao giờ cũng khỏe hơn đợi xe cứu hỏa

Khỏi nói dông dài cũng hiểu cách tốt nhất để ngừa bệnh khô mắt là tìm mọi cách để mắt đừng… khô! Dưới góc nhìn nào cũng thế, thầy thuốc coi trọng mục tiêu phòng bệnh đều đồng ý khuyên người bệnh chú ý thường hơn đến các biện pháp tiếp tay cho tuyến lệ, như:

- Chú trọng vào chế độ dinh dưỡng vừa đủ lượng nước trong ngày, vừa cung cấp hoạt chất có công năng bảo vệ thị giác và giác mạc như tiền sinh tố A, sinh tố E, khoáng tố kẽm, đồng, mangan, crôm, selen…

- Cho đôi mắt có đủ thời gian hồi phục bằng nhiều hiệp giải lao trong ngày, đặc biệt trong giờ làm việc. Không cần lâu, chỉ cần mỗi lần vài phút. Hay hơn nữa là phối hợp động tác xoa bóp nhãn cầu bằng cách áp nhẹ hai lòng bàn tay trên đôi mắt rồi vừa xoa theo chiều hướng vào sống mũi, vừa ấn nhè nhẹ lên xuống nhịp nhàng. Khéo tay hơn nữa thì dùng hai ngón tay ấn tuần tự ba huyệt nằm ở đầu, giữa và cuối chân mày để cải thiện tuần hoàn cho toàn nhãn cầu cùng lúc với vận động mi mắt theo kiểu chớp chớp thật chậm, cứ như đá lông nheo với ai đó!

- Đừng tưởng mắt chỉ dùng để khóc khi buồn hay quá vui. Ít người biết được kỹ xảo hưng phấn chức năng bài tiết của tuyến nước mắt thông qua động tác… ngáp!

- Tránh thói quen dụi mắt khi có cảm giác khô rát. Thay vào đó nên nhắm chặt đôi mắt ít giây đồng hồ, đồng thời với động tác nuốt nước bọt. Để dễ thực hiện có thể tưởng tượng đang cắn miếng xoài tượng còn sống nhăn.

- Nếu tình trạng khô mắt xảy ra quá thường xuyên nên tham khảo ý kiến thầy thuốc để dùng một loại “nước mắt giả” nào đó thích hợp. Dung dịch “nước mắt giả” không phải là sản phẩm dành riêng cho lúc lên sân khấu mà là một dược phẩm hữu ích cho những đôi mắt muốn “hạ màn sân khấu”!

- Thuốc nào cũng có chỉ định rõ ràng. Nếu không có yếu tố bội nhiễm không nên dùng bừa bãi các loại thuốc nhỏ mắt kháng viêm đang được quảng cáo nhiều hơn mì gói. Thuốc đúng là có kháng viêm nhưng cũng chính thuốc làm giác mạc sau đó khô hơn trước, nghĩa là gậy ông lại đập… mắt ông!

Chỉ xem đôi mắt đơn thuần như giác quan là thiếu sót lớn. Mắt còn dùng để… khóc! Có vui bao nhiêu cũng nên thỉnh thoảng đừng quên sụt sùi cho đúng nghĩa âm dương. Đã có quá nhiều thầy thuốc khuyên dùng tiếng cười như thang thuốc bổ. Đúng nhưng chưa hay! Khéo hơn nhiều là khóc mà nên… thuốc! Khéo hơn nữa là ít gặp thầy thuốc nhờ ngáp đúng lúc, ngáp đáng tiền đến độ rơi nước mắt cá sấu!

Mắt quá khô không chỉ hết long lanh

Mắt quá khô là môi trường lý tưởng cho nguy cơ bội nhiễm. Viêm kết mạc, loét giác mạc lại không chỉ là bệnh lý mang tính chất cục bộ với hậu quả hời hợt trước mắt! Đó chính là một trong các nguyên nhân khiến sức đề kháng phải được huy động thường xuyên. Sức người có hạn, sức nào chịu cho nổi với thời gian? Mắt một khi đã khô đến độ sinh bệnh thì bệnh dễ gì chịu lịch sự đứng yên một chỗ. Đâu chỉ có thế! Thương tổn trên tròng trắng sớm muộn cũng bắt nhịp cầu sang tròng đen khiến bệnh lý nào đó nghiêm trọng hơn nhiều thừa nước thả câu sâu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm