Hạnh phúc của người hiến 172 lít sữa cho ngân hàng sữa mẹ

“Tôi cũng không biết mình hiến được bao nhiêu sữa cả, cứ khi nào đủ 8 lít là tôi báo bệnh viện đến lấy, nghe bệnh viện cho biết đến thời điểm hiện tại tôi đã hiến được một trăm bảy mấy lít thì phải”. Chị Đỗ Phượng Quyên (37 tuổi, sống ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ tại buổi tổng kết sáu tháng hoạt động ngân hàng sữa mẹ (NHSM) của Bệnh viện (BV) Từ Dũ nhân kỷ niệm Ngày thế giới vì trẻ sinh non, diễn ra sáng 12-11.

Sáu tháng hiến 172 lít sữa mẹ

Chị Quyên hiện được ghi nhận là bà mẹ cho NHSM BV Từ Dũ nhiều nhất với 172 lít sữa. Chia sẻ về việc đều đặn hiến sữa cho NHSM, chị tình cờ xem tivi biết được NHSM ra mắt vào tháng 4-2019. Bản thân chị lúc này có con nhỏ hai tháng tuổi, bé không bú mẹ, phải vắt sữa trữ rất nhiều. Từng nuôi con đầu nay đã  tám tuổi được bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, chị cảm nhận bé bú sữa mẹ rất khỏe mạnh, ít bệnh vặt nên thấu cảm hoàn cảnh các bé sinh non, mồ côi thiếu sữa.

Ý tưởng được chị chia sẻ với chồng và được chồng ủng hộ nhiệt tình. Trong thời gian vợ hiến tặng sữa, chính chồng chị là người giúp chị vệ sinh bình sữa, thiết bị hút sữa để đảm bảo nguồn sữa an toàn, tinh khiết nhất trước khi đến với các bé cần sữa.

Là người hiến số sữa mẹ nhiều thứ nhì cho ngân hàng với 142 lít sữa, chị Nguyễn Thanh Tâm (32 tuổi) chia sẻ câu chuyện vui về tâm trạng hăm hở của mình khi biết có nơi nhận hiến sữa. Vốn là người yêu thích thiện nguyện, khi nghe hoạt động của NHSM qua lời điều dưỡng khi sinh con tại BV Từ Dũ, chị không ngần ngại đăng ký hiến sữa liền.

Từ ngày hiến sữa cho ngân hàng sữa, chị Tâm chia sẻ luôn cố gắng ngủ đủ tám tiếng đồng hồ và ăn uống đủ chất để có chất lượng sữa tốt và kêu gọi các bà mẹ khác có dư sữa đừng cho lung tung. “Trước đây tôi cũng nghĩ mình không có bệnh gì thì sữa của mình đảm bảo sạch nhưng sau này tôi mới biết được không cẩn thận trong thao tác hút sữa có thể làm sữa nhiễm vi khuẩn, gây hại cho bé khi bú vào. Nếu mình có ý tốt cho các bà mẹ cần sữa nhưng lỡ bé uống phải nguồn sữa chứa vi khuẩn, không đảm bảo vô trùng, phải nhập viện thì lại gây hại cho bé” - chị Tâm chia sẻ.

Vợ chồng chị Đỗ Phượng Quyên và con gái đến tham dự lễ tổng kết sáu tháng hoạt động ngân hàng sữa mẹ tại BV Từ Dũ, TP.HCM. Ảnh: HL

Giảm 20% tử vong trẻ sinh cực non

Theo BS CKII Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng Khoa sơ sinh BV Từ Dũ, sau sáu tháng hoạt động, NHSM BV Từ Dũ đã vận động được 135 bà mẹ hiến tặng sữa, trong đó có 120 bà mẹ đã được thu nhận sữa mẹ. Trong đó có 42 bà mẹ có con sinh non đang điều trị tại Khoa sơ sinh BV Từ Dũ và 78 bà mẹ ở cộng đồng. Các bà mẹ đã hiến tặng cho NHSM gần 2.100 lít sữa mẹ.

NHSM BV Từ Dũ sẽ mở rộng mạng lưới để có thể cung cấp sữa mẹ thanh trùng cho các trẻ sơ sinh bệnh nặng đang điều trị tại các BV Nhi đồng trong TP bị thiếu hụt nguồn sữa mẹ. 

Tổng cộng có gần 2.800 trẻ sơ sinh đã được dùng sữa mẹ thanh trùng, trong đó có hơn 1.600 trẻ sơ sinh bệnh nặng. Mỗi ngày khoa sơ sinh sử dụng trung bình 14 lít sữa mẹ thanh trùng. NHSM đã giúp cứu sống nhiều trẻ sinh non. Tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh cực non và non tháng của khoa đã được cải thiện từ khi tất cả trẻ sơ sinh sinh non được sử dụng sữa mẹ ruột hoặc sữa mẹ thanh trùng, không còn sử dụng sữa công thức. Tỉ lệ tử vong của nhóm trẻ sinh cực non dưới 28 tuần tuổi thai đã giảm được khoảng 20% so với trước khi có NHSM.

BS Từ Anh chia sẻ: Hiện NHSM đang cung cấp sữa miễn phí cho 25 trường hợp gia đình nghèo, mẹ bệnh nặng hoặc mẹ tử vong, trong đó có một bà mẹ là người Campuchia. “Có bé mẹ bị bệnh tim nên không vượt qua được cửa tử khi sinh, con chào đời phải sử dụng hoàn toàn nguồn sữa từ NHSM. Có bà mẹ bị phỏng nên mất cả hai vú và sinh non nên không thể nào có sữa cho bé, phải sống nhờ vào nguồn sữa của ngân hàng khá lâu” - BS Từ Anh kể.

BV Từ Dũ đã ký kết hợp tác với BV quốc tế Phương Châu mở mạng lưới của NHSM tại đây nhằm tạo cầu nối cho các bà mẹ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiến tặng sữa cho NHSM, góp phần cứu sống trẻ sinh non.

Quy trình hiến sữa

NHSM BV Từ Dũ được xây dựng từ nguồn vốn phát triển sự nghiệp của BV Từ Dũ với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của sáng kiến Alive and Thrive thuộc tổ chức FHI 360 và tài trợ một phần kinh phí xây dựng từ quỹ Irish Aid của chính phủ Ireland, hoạt động vào tháng 4-2019. Các quy trình của NHSM được xây dựng dựa trên các hướng dẫn của Anh quốc và Hiệp hội NHSM Bắc Mỹ. Về quy trình thu nhận sữa, người cho sữa phải đảm bảo không mắc bệnh lý như viêm gan siêu vi B, HIV, giang mai... Những bà mẹ hiến sữa sẽ được cho mượn máy vắt sữa, túi bảo quản sữa, nhiệt kế theo dõi nhiệt độ sữa trong tủ lạnh. Trên chai sữa có dán nhãn code tên người tặng và ngày, giờ vắt. Sau đó tình nguyện viên của NHSM sẽ đến lấy sữa và đưa về ngân hàng lưu trữ xử lý, xét nghiệm vi sinh thành nguồn sữa thanh trùng, đảm bảo cung cấp cho trẻ bệnh nặng, sinh non yếu ớt. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm