Hãy nhìn về phía khác để thấy ngành y rất đẹp

Tôi không phải là một người trong ngành y, chỉ may mắn được bám mảng và viết về nó trong một thời gian ngắn, được tiếp xúc với các bác sĩ vài lần nhưng tôi đã thực sự bị cuốn vào họ. Họ đẹp không chỉ ở bề ngoài mà cả trong y đức, trong tâm hồn. Họ đẹp không riêng gì ngày 27-2 mà tất cả ngày còn sống trong sự nghiệp chữa bệnh cứu người.

Tôi biết chị Phượng công tác ở BV Sản nhi Đà Nẵng từ Facebook, qua bài viết cảm động chị kể về đồng nghiệp của mình, một nữ bác sĩ học y sáu năm, ra trường và hành nghề. Điều kiện khó khăn nên chị phải đi làm xe nhà, 2-3 tháng mới được về thăm nhà một lần, những lần ấy chị chỉ kịp hỏi thăm cha mẹ vài câu, nấu bữa cơm, ôm mẹ ngủ một giấc, rồi lại đi. Thi thoảng mẹ muốn gọi cho con gái nhưng lại thôi, sợ con đang học, đang trực hay lại đang mổ cho bệnh nhân.

Tết về nhà một, hai ngày thì chị cũng chỉ biết ngủ vì mệt, gặp gỡ bạn bè cùng trang lứa nghe lương bác sĩ lại cười vì không đủ bữa liên hoan. Vì nghề chọn người nên chị chưa bao giờ thấy buồn. Tuổi thanh xuân chị cứ thế trôi qua, vẫn ngày đi làm, vẫn đi trực, hằng đêm vẫn canh giấc ngủ cho bệnh nhân vì bệnh nhân rất cần chị giúp mỗi khi đau đầu, đau bụng... Một đêm trực, như mọi đêm, lúc chị đang loay hoay xử trí bệnh thì nhạc chuông điện thoại reo, là mẹ, chị không nghe máy, lát sau xong việc chị gọi lại cho mẹ chỉ nghe được giọng mẹ mệt mỏi đầu dây bên kia: “Không có gì đâu, mẹ nhớ con nên gọi thôi, mẹ không biết con trực. Thôi con làm việc đi”. Nói xong mẹ tắt máy, chị quay lại với công việc của mình. Quá 30 phút sau, điện loại lại đổ chuông, là cha. Chị bắt máy, giọng cha hối hả: “Mẹ con đang phòng cấp cứu, huyết áp cao quá, lên đến 220, giờ phải nhập viện gấp”. Bất giác như có gì đó bóp nghẹt tim, chị thấy nghẹn ngào, nước mắt vô thức trào ra, ngấm vào môi mặn chát, chị òa khóc nức nở như đứa trẻ chỉ muốn chạy về ngay với mẹ, cảm giác mình là đứa con bất hiếu nhất trên đời cứ đeo bám chị. Nhưng rồi quay về thực tại, với bệnh nhân, chị lại mạnh mẽ đứng lên và tiếp tục, bởi chị biết nghề y là con đường chị đã chọn, là ước mơ, là sứ mệnh...

Chị cũng tâm sự với tôi về một bác sĩ nam đồng nghiệp, vừa mất cha vào thứ Bảy vừa rồi. Anh cũng sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bôn ba xứ người đến nỗi số lần về nhà chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cha anh còn trẻ nhưng vì cuộc sống khó khăn, nhìn ông già hẳn những nếp nhăn hằn trên trán. Có con trai làm bác sĩ, bố vẫn phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để trang trải và lo cho các em ăn học. Cha đau ốm nhiều lần nhập viện anh cũng không về được, thi thoảng cha lại vào thăm, mang cho con trai ít gạo với con gà. Mấy ngày trước mẹ anh gọi vào, nước mắt giàn dụa: “Cha bị tai biến nhập viện, nặng lắm!”. Anh sắp xếp công việc về nghỉ phép, vào viện nhìn cha nằm trên giường bệnh, lòng quặn thắt, chỉ ước mơ có thể hằng ngày chăm sóc cha như đã từng chăm sóc bệnh nhân.

Nhưng rồi cơm áo gạo tiền, vì trách nhiệm và vì những bệnh nhân đang rất cần mình, cha ổn hơn tí anh lại khăn gói vào bệnh viện làm việc. Sáng thứ Sáu vừa rồi anh còn trực đến khuya, sáng dậy được tin cha trở nặng, anh bắt xe về nhà được nửa đường thì cha đã ra đi. Lần đầu tiên người con trai mạnh mẽ như anh gục mặt, nước mắt rơi lã chã, anh mất cha thật rồi! Đến cuối cùng, những con người làm nghề y vẫn trở về với công việc và mạnh mẽ bước tiếp với họ đã mang trên mình những chiếc áo blouse trắng, mang trên mình sứ mệnh cao cả.

Những lần tôi được đi viết ở bệnh viện không nhiều nhưng gặp được những bác sĩ, điều dưỡng ở bệnh viện tốt bụng, dễ thương thì không ít. Lần được vào khoa Cấp cứu hồi sức BV Nhi đồng 1, tôi gặp được cô điều dưỡng dáng người nhỏ nhắn, cô cũng đã lớn tuổi, gắn bó với nghề đã mấy chục năm và cũng sắp đến lúc về hưu. Trên mặt và tay cô đã bóc da rất nhiều, nhìn như bị lang ben ăn phải, cô nói đó là do tiếp xúc với nhiều chất có hại trong thời gian lâu nên vậy. Mặc dù đã lớn tuổi những cô vẫn nhiệt huyết, chạy đi chạy lại từng bệnh nhi một nằm bất tỉnh, vệ sinh, sạch sẽ nhẹ nhàng từng ngón tay nhỏ rồi ngó xem còn điều gì mình chưa làm nữa không rất tận tụy. Cô vẫn miệt mài như thế mấy chục năm rồi, sáng sớm chạy vào viện đến tối khuya mới về cho dù lương bổng chỉ ba cọc ba đồng đủ rau, đủ cháo.

Tất nhiên, xã hội nói chung và ngành y nói riêng, đâu đó cũng có mặt trái nhưng cũng đừng vì thế mà phủ nhận những gì mà họ đã hy sinh. Tại sao một tờ giấy trắng có vết mực nhỏ bạn chỉ thấy vết mực mà không thấy rằng phần còn lại là cả một tờ giấy trắng tinh. Trong một căn phòng tối, không gian mênh mông bạn hãy lắng nghe rồi sẽ cảm nhận được biết bao điều tốt đẹp của ngành y, bởi những con người thầm lặng ấy đang ngày ngày tỏa hương mà không muốn cả xã hội phải biết.

Cám ơn những người đã sống đúng như lời dạy Lương y như từ mẫu.

Chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm