Hôn nhân: Phải có cho và nhận

Đã có người sau đổ vỡ mới ngẫm ra rằng nếu coi những gì bạn đời làm cho mình là đương nhiên, là chuyện cứ vô tư hưởng, rồi xem đấy là bổn phận của họ thì đó là một sai lầm!

Cuộc hôn nhân mất thăng bằng

Chuyện thứ nhất, chị Thủy tự nguyện ở nhà chồng nuôi. “Cưới vợ được thì phải biết lo chứ” luôn là câu cửa miệng của chị. Nội trợ nhưng chị chăm con cũng không được chu đáo lắm, hai đứa nhỏ cứ bệnh hoài. Anh Bằng về đến nhà là nghe bài trường ca của chị, anh sướng quá rồi, được ra ngoài, tự do, thoải mái nên phải biết làm việc nhà cho người ta nghỉ ngơi chút chứ! Chị hành chồng tưng bừng, bất kể anh bận hay rảnh, mệt hay khỏe. Anh đi công tác, nhà cúp điện, chị cũng réo chồng. Giữa khuya, chị gọi anh dậy chỉ để biểu chồng đi mua cho cái bánh bao tự dưng thèm. Tiền anh đưa, chị xài vô tội vạ. Đối với chị Thủy, có chồng là để nhờ cậy, chồng phải có bổn phận chu toàn cuộc sống gia đình. Chị coi việc mình được nhận lãnh sự bảo bọc, lo lắng từ vật chất tới tinh thần là đương nhiên.

Một câu chuyện khác

Lập gia đình đương nhiên phải gánh vác giang sơn nhà chồng. Bao lần Hà lấy câu răn đó của mẹ để tự nhắc mình. Nào là tiền phụ cho đứa em chồng lấy vợ. Sắm thêm cái tủ lạnh riêng ở phòng ba má chồng cho tiện. Lúc lại cho cháu ở quê vô khám bệnh, mua thuốc. “Chát” nhất là hôm có mấy người kéo đến nhà nhì nhằng, chồng Hà cương quyết biểu cô bán bớt vài món vật dụng mà ba mẹ vợ đã cho lúc kết hôn để trả nợ tiền mẹ chồng thua đề.

Lấy nhau chưa bao lâu mà Hà “tàn” đi trông thấy. Cày ngày cày đêm mà thu vẫn không đủ chi. Những thói quen tiêu xài thoải mái ngày trước cô tự cắt giảm lúc nào không rõ. Ngay cả thời gian về thăm ba mẹ ruột Hà cũng không có, chứ đừng nói gì đến mua sắm, quà cáp cho gia đình. Hà cũng không nhớ lần gần nhất mình mua cho bản thân một món đồ mới là lúc nào. Mỗi khi chồng hạ giọng bảo: “Em ơi, anh bảo này…” là Hà lại thon thót lo âu. Chẳng biết lại có thêm tội nợ gì đang đợi mình “chia sẻ”.

Đôi lần lựa lời nói khéo với chồng, Hà nhận được thái độ có phần ngạc nhiên đến khó tin nổi của anh. Sao mà em tính toán đến vậy nhỉ? Với chồng và gia đình chồng mà em coi trọng ba cái vật chất phù phiếm nhiều thế ư? Anh vẫn luôn tin rằng em là người có tình nghĩa, biết trước biết sau, vân vân…

Hậu quả tất phải đến!

Mọi thứ mất đi sự ổn định khi anh Bằng gặp khó khăn trong công việc, ảnh hưởng tới thu nhập. Chị Thủy cằn nhằn không ngớt vì chẳng thể xài thoải mái như trước. Áp lực kiếm sống làm anh mệt mỏi. Anh chẳng thể chầu chực đáp ứng những yêu cầu lặt vặt liên tu bất tận của vợ được. Càng không nuốt nổi mấy món ăn siêu thị nấu sẵn mà vợ chuẩn bị.

Chị Thủy giận chồng, cho rằng anh đòi hỏi, ỷ làm ra tiền rồi coi thường vợ, tư tưởng chồng chúa vợ tôi ươm từ hồi nào vậy? Anh là đàn ông, tất nhiên phải lo… nuôi vợ con, đó là quy luật nào giờ. Còn việc nhà, cơm nước, bây giờ sẵn dịch vụ, anh muốn gì khi cứ bó buộc người khác phải thế này thế nọ? Anh Bằng cũng hết kiên nhẫn, kết tội vợ chỉ biết nhận mà chẳng muốn cho đi, sống thế mà coi được à? Họ cãi nhau liên miên bởi quan niệm “ai ích kỷ” không phân định rõ được…

Hôm ấy, giọt nước tràn ly khi chồng Hà “mổ bụng heo” lấy số tiền dành dụm của vợ đưa cho cô em dâu đi học nghề. Khi Hà phát hiện ra thì đã chẳng còn gì để nói nữa. Mẹ hỏi mượn giùm, chẳng lẽ anh không đưa? Hà tức tưởi bảo anh có xem em ra gì đâu, anh và cả nhà chỉ biết… tận dụng, anh từng nghĩ gì tới cảm giác của em chưa? Hai vợ chồng cãi nhau tưng bừng và Hà mệt mỏi vơ vài ba bộ đồ cũ kỹ, rời khỏi căn nhà mà từ ngày bước chân vào, cô chỉ thấy toàn là bổn phận và nghĩa vụ…

Cần được vun vén từ hai phía

Một tay vỗ chẳng nên kêu. Khi cuộc sống đầy rẫy những áp lực như hiện nay, cả chồng lẫn vợ đều thèm được chia sẻ, khao khát được chăm sóc, cần được cảm thông… Ai cũng thèm một bàn tay ấm, một bữa cơm nóng sốt, một lần đưa đón đi làm khi mệt mỏi chẳng hạn. Nếu ở ngoài, “thiên hạ” tinh tế, tâm lý, dịu dàng, ngọt ngào... thì khả năng lạc lòng ở cả chồng lẫn vợ đều cao. Khi đó, mọi thứ tưởng “không thể” sẽ dễ dàng trở nên “có thể”!

Cho và nhận luôn phải ở thế cân xứng, coi được trong hôn nhân. Đừng để bạn đời phải thầm nghĩ sao cô/anh cái gì cũng biết, duy mỗi cái không… biết điều!

HOÀNG MY

 

Hãy giúp bạn đời bước ra khỏi “vòng tròn quen thuộc”

Những ai quen “nhận” nhiều hơn “cho” không hẳn là người không biết quan tâm đến người thân, mà có khi chỉ vì thói quen đã trở thành sự mặc định. Thói quen như một sợi dây thừng bền chặt, lâu ngày kết thành một “vòng tròn quen thuộc” bao vây chính ý nghĩ và cảm xúc của chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy khó khăn khi suy nghĩ hoặc bộc lộ tình cảm theo cách khác đi.

“Vòng tròn” ấy đem lại cảm giác êm ái, an toàn do quá quen thuộc nhưng mặt trái của nó là gây nên sự trói buộc, kìm hãm khả năng của chúng ta, làm mất đi cơ hội để chúng ta có những trải nghiệm phong phú. “Lỗi” của người nhận là không sớm nhận ra mình đang bị rơi vào “vòng tròn” của thói quen đòi hỏi. Thói quen ấy dần tước đi sự nhạy cảm cần có trong một mối quan hệ luôn cần sự chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau. “Lỗi” của người “cho” là không mau chóng và kiên trì phát đi những tín hiệu cho thấy mình đang khó chịu, đồng thời không kiên quyết nói “không” trước những đòi hỏi có phần quá đà của người kia.

Mặt bất lợi của việc quá nuông chiều người thân là vô tình đưa người thân bị vây chặt bởi “vòng tròn quen thuộc”, làm kéo lùi khả năng xoay xở, độc lập của họ. Thay vì âm thầm chịu đựng để đến lúc “giọt nước tràn ly”, người đang mệt mỏi trong vai người “cho” nên nói cho đối tác hiểu cảm xúc của mình, đồng thời dần dần chủ động kéo lại thế cân bằng “cho - nhận”. Giúp người thân điều chỉnh một thói quen không hay cũng là một cách giúp nuôi dưỡng tình cảm gia đình.

ThS tâm lý học ĐOÀN BẮC VIỆT TRÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm