Khám bệnh không phải là ban ơn

Ngày 22-4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với hơn 700 điểm cầu trong cả nước để triển khai các giải pháp đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế nhằm đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Phát biểu tại hội nghị, bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đổi mới phong cách phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh là nhiệm vụ cần và phải làm bởi “nếu không có bệnh nhân sẽ không có thầy thuốc”. “Thầy thuốc chưa làm hài lòng bệnh nhân, chưa đến với bệnh nhân một cách chân tình thì chúng ta chưa thành công” - bà Tiến nói.

Khám, chữa bệnh không phải ban ơn

Bà Trần Thị Bích Hằng, Chủ tịch Công đoàn ngành y tế, cho rằng người thầy thuốc dù có trình độ chuyên môn giỏi đến bao nhiêu nhưng nếu cứ lặng lẽ khám bệnh, kê đơn, tiêm, truyền… với vẻ mặt thờ ơ, không một lời hỏi thăm hoặc thái độ coi thường, lạnh nhạt, lời nói gắt gỏng, thiếu lễ phép thì chưa thể nói tới “thầy thuốc như mẹ hiền”.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đề nghị cần phải thay đổi tư duy từ người làm công tác quản lý, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên hành chính, bảo vệ, thậm chí cả người trông xe. Tập trung nâng cao kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử, tinh thần thái độ đối với người bệnh. “Người thầy thuốc phải thay đổi tư duy, nếu như trước kia chúng ta chữa bệnh theo kiểu ban ơn thì hiện nay chúng ta phải đặt mục đích phục vụ người bệnh lên hàng đầu, lấy người bệnh làm trung tâm. Lấy sự hài lòng của người bệnh là số một” - ông Khuê nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Thầy thuốc chưa làm hài lòng người bệnh thì chúng ta chưa thành công”. Ảnh: H.HÀ

Xử nghiêm cán bộ vi phạm

Bà Tiến thừa nhận vẫn còn một bộ phận cán bộ y tế chưa tuân thủ đúng các quy trình chuyên môn; thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thiếu giáo dục y đức, thậm chí có hành vi tiêu cực. “Đó là “những con sâu làm rầu nồi canh”, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh người cán bộ y tế. Nghiêm trọng hơn, nó làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với hơn 400.000 cán bộ y tế và tác động tiêu cực đến hình ảnh của đa số các cán bộ y tế chân chính đang ngày đêm lặng lẽ, quên mình để chữa trị, giành giật sự sống cho người bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân” - bà Tiến nhấn mạnh.

Bà Tiến cho biết trong lộ trình tính đủ giá dịch vụ y tế, các bệnh viện (BV) có nguồn thu để tăng cơ sở vật chất, vì vậy dứt khoát phải tăng chất lượng khám, chữa bệnh. Mà tăng chất lượng khám, chữa bệnh, ngoài kỹ thuật phải có thái độ ân cần, niềm nở.

Một lần nữa bà Tiến khẳng định luôn tôn vinh và trân trọng những người cán bộ đã làm tốt và làm đúng trách nhiệm của mình, “nhưng cũng kiên quyết đề nghị đưa ra khỏi ngành những “con sâu làm rầu nồi canh” mà xã hội đang lên án, bức xúc” - Bộ trưởng nói.

Bảy giải pháp làm hài lòng người bệnh

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết ngành y tế thời gian qua đã thực hiện nhiều đột phá trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh như đề án BV vệ tinh chuyển giao công nghệ về các BV tuyến dưới, cải tạo khoa khám bệnh, đầu tư xây mới nhiều BV… “Còn bây giờ là nhân tâm, là y đức và thái độ của người thầy thuốc. Chúng ta vẫn có mặt nọ mặt kia, phải tự nhận thấy những điều tồn tại để điều chỉnh. Vì chúng ta không đổi mới, không điều chỉnh sẽ tụt hậu, mà không điều chỉnh càng tụt hậu nữa” - bà Tiến nói.

Theo bà Tiến, để hướng tới sự hài lòng của người bệnh, Bộ Y tế đưa ra bảy giải pháp. Thứ nhất, Bộ Y tế sẽ xây dựng bộ tiêu chí phong cách phục vụ của cán bộ y tế theo phương châm “đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo” lấy người bệnh làm trung tâm.

Thứ hai, thay đổi kiểu dáng, màu sắc trang phục của cán bộ, nhân viên y tế. Thay đổi màu của trang phục y tế để phân định giữa màu áo của bác sĩ với màu áo của điều dưỡng, màu áo của nhân viên hành chính, từ đó để họ thấy rõ chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời cũng làm cho người thầy thuốc phải thấy trách nhiệm của mình.

Thứ ba, thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng đặt tại khoa khám bệnh trực thuộc phòng công tác xã hội (hoặc phòng kế hoạch tổng hợp, phòng điều dưỡng) với nhiệm vụ đón tiếp, hướng dẫn, chỉ dẫn người bệnh, gia đình người bệnh khi đến BV.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai “đường dây nóng Bộ Y tế”.

Thứ năm, thiết lập thêm kênh thu thập thông tin của người dân thông qua “hòm thư góp ý”.

Thứ sáu, triển khai đề án“Tiếp sức người bệnh” do các thầy thuốc trẻ và sinh viên tình nguyện hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh trong các BV.

Thứ bảy, thực hiện ký cam kết thực hiện nội dung đổi mới phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế (điều dưỡng, bác sĩ điều trị ký với trưởng khoa; trưởng khoa ký với giám đốc BV; giám đốc BV tuyến tỉnh ký với giám đốc Sở Y tế, giám đốc BV tuyến trung ương ký với bộ trưởng Bộ Y tế).

Tháng 6 tới, Hội Thầy thuốc trẻ và sinh viên tình nguyện sẽ triển khai đề án “Tiếp sức người bệnh” nhằm hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh tại 30 BV trung ương và BV của năm TP Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM. Chúng tôi sẽ hướng dẫn người bệnh về quy trình khám, chữa bệnh; hỗ trợ những người bệnh di chuyển theo các khoa, phòng, nhập viện, xuất viện. Thanh niên tình nguyện cũng sẽ giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn phải nằm viện lâu dài.

Ông NGUYỄN BÁ TĨNH, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm