Lầm tưởng khi bệnh ho

Lạ là ho do trào ngược dạ dày - thực quản mặc dù rất thường xảy ra nhưng ít khi được cả bác sĩ lẫn người bệnh quan tâm. Bởi thế, nhiều người bị ho đến gặp bác sĩ, về nhà ho vẫn hoàn ho trong một thời gian dài.

Trào ngược dạ dày lầm tưởng viêm họng, viêm thanh quản và hen phế quản

Mới đây, bệnh nhân Nguyễn Văn Ngưng đến phòng khám của tôi khai rằng anh bị ho hơn 10 ngày nay. Anh đã đến ba phòng khám tư để đề nghị chẩn đoán bệnh. Các bác sĩ đều kết luận anh bị viêm họng và cho thuốc về uống nhưng bệnh ho của anh ngày càng trở nặng. Qua thăm hỏi về triệu chứng của bệnh, tôi được biết anh thường có các dấu hiệu như ợ hơi, nóng ran và có cảm giác đau rát ở giữa ngực, sau xương ức. Đặc biệt, những biểu hiện này thường xuất hiện ở vùng thượng vị (còn gọi là chấn thủy) và lan lên cổ, thường tăng lên sau khi anh ăn, ngay cả khi anh nằm hoặc ngồi gập người về phía trước cũng có thể gây ra ợ nóng. Sau đó, tôi tiến hành khám họng cho anh, thấy họng bị đỏ và xung huyết. Rõ ràng đây là trường hợp bệnh nhân bị hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản gây nên triệu chứng ho chứ không phải ho do bệnh lý của đường hô hấp.

Những biểu hiện của hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản rất nghèo nàn, điển hình là cơn ho khan. Thầy thuốc vì thế thường chỉ quan tâm đến bệnh lý của đường hô hấp chứ ít khi chú ý đến bệnh lý của đường tiêu hóa. Đây là một lầm tưởng rất lớn khiến chẩn đoán sai, dẫn đến điều trị không hiệu quả và tất nhiên, bệnh sẽ trầm trọng thêm. Do vậy, khi bị ho, người bệnh cần bình tĩnh xem có những biểu hiện nào đi kèm theo đó hay không chứ không nên vội vàng tự “phán” bệnh rồi mua thuốc về uống. Khi đến gặp bác sĩ, người bệnh cần kể thật kỹ lưỡng các biểu hiện đi kèm theo cơn ho để được chẩn đoán bệnh chính xác hơn, có như thế việc điều trị mới có hiệu quả.

Ngoài ra, bệnh trào ngược dạ dày - thực quản còn có thể gặp những dấu hiệu như ợ ra acid đắng trong khi ngủ, cảm giác đắng miệng, khàn giọng, nhất là vào buổi sáng khiến người bệnh dễ nhầm với bệnh viêm thanh quản. Hoặc người bệnh có cảm giác khó chịu trong cổ họng, như có một mẩu thức ăn nằm ở đó, thở khò khè thì rất dễ nhầm với bệnh hen phế quản.

Phòng, tránh bệnh thế nào?

Đối với người lớn: Bên cạnh việc dùng thuốc thì việc duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý sẽ góp phần quan trọng trong việc điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản, mỗi bữa không nên ăn quá nhiều, nên ăn làm nhiều bữa, 4-5 bữa/ngày, mỗi bữa ăn ít một; không nên ăn chất lỏng, nên ăn đặc, khô; sau khi ăn không nên nằm nhiều, ngồi ở tư thế cúi ra phía trước… nằm ngủ ở tư thế đầu dốc cao.

Bỏ hẳn một số thức ăn làm giảm trương lực cơ vòng như chocolate, thuốc lá, cà phê, dầu mỡ, nước khoáng có hơi; ăn chậm, nhai kỹ, tránh nuốt hơi vào dạ dày; không được dùng một số thuốc làm giảm trương lực cơ vòng dưới thực quản như estrogen, progesteron, anticholinergic, barbituric, ức chế canxi, diazepam, theophylin. Chỉ phẫu thuật khi điều trị nội khoa không khỏi và khi có biến chứng nặng nề.

Đối với trẻ em: Khi trẻ có triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, cha mẹ cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để điều trị sớm phòng ngừa những biến chứng có thể xảy ra. Chia nhỏ bữa ăn của trẻ thành nhiều bữa, cố gắng không để trẻ ăn quá no khiến dạ dày bị căng dẫn đến dễ trào ngược. Cố gắng không để trẻ bú phải hơi. Cho trẻ ăn thức ăn đặc hơn bình thường. Ví dụ cho thêm chút bột vào sữa khi cho trẻ uống sữa. Khi cho ăn, luôn luôn bế đứa trẻ cao đầu, không thay đổi tư thế trong suốt quá trình cho bé ăn. Sau khi trẻ ăn được 30-50 ml sữa lại vỗ để bé ợ hơi ra ngoài. Khi bé kết thúc bữa ăn, không đặt nằm ngay mà phải bế bé thẳng đứng, đầu ngả vào vai mẹ trong 20-30 phút. Khi đặt nằm, đầu phải cao 30 độ so với mặt giường và nên nghiêng sang bên trái.

Nguyên nhân gây bệnh

Các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản là hiện tượng sinh lý. Chỉ khi hiện tượng trào ngược gây ra triệu chứng hoặc gây tổn thương thực thể được gọi là bệnh trào ngược dạ dày - thực quản. Nguyên nhân gây bệnh vẫn còn chưa rõ, tuy vậy người ta nói nhiều tới vai trò của cơ thắt thực quản dưới. Các tác nhân làm yếu hoặc gây giãn cơ góp phần gây ra bệnh trào ngược dạ dày - thực quản như uống rượu, hút thuốc, thức ăn chứa nhiều gia vị, mỡ, cà phê, chocolate, các tình trạng bệnh lý như béo phì, đái tháo đường, phụ nữ có thai, thoát vị hoành; dùng các thuốc chẹn kênh canxi, theophylin…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm