Mắc bệnh tiểu đường, cô giáo 37 tuổi rơi vào trầm cảm

Mới đây, đến BV ĐH Y Dược TP.HCM tái khám bệnh đái tháo đường (tiểu đường), chị Nguyễn Kim S. (37 tuổi) chia sẻ căn bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến công việc dạy học của mình.

Chị S. cho biết chị khám và dùng thuốc điều trị điều độ, chỉ số đường huyết ổn định nhưng chị luôn cảm thấy lo sợ, ăn uống kiêng khem đến mức giảm gần như tối đa đường, tinh bột và chất đạm, chỉ dám ăn rau luộc mỗi ngày. Lúc nào chị cũng có cảm giác mệt mỏi, tâm lý nặng nề. Đôi khi chị không muốn tiếp xúc với những người xung quanh do mặc cảm về bệnh tật.

Tại BV, chị S. đã được các bác sĩ tư vấn tâm lý và chế độ dinh dưỡng hợp lý mà vẫn ổn định đường huyết. Nhờ đó chị mới vượt qua những rào cản tâm lý và tự ti về bệnh tật. Chị S. cho biết giờ chị đã cảm thấy khỏe mạnh, lạc quan và bình tĩnh đối mặt với bệnh tật hơn.

Một trường hợp khác là bà Lê Thị Ng. (50 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ), khi bị chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2 bà rất lo sợ và uống bài thuốc gia truyền sáu tháng liền để chữa dứt điểm căn bệnh theo lời rỉ tai của hàng xóm. Bệnh chẳng những không giảm mà càng ngày bà càng cảm thấy mệt mỏi, sụt cân, khát nước nhiều hơn.

BS Trần Minh Triết đang khám bệnh cho người bệnh đái tháo đường.

Theo BS CKI Trần Minh Triết, khoa Nội tổng hợp BV ĐH Y Dược, những rối loạn tâm lý ở người bệnh đái tháo đường rất thường gặp, tuy nhiên lại thường bị bỏ sót trong thực hành lâm sàng.

Theo BS Triết, đái tháo đường là bệnh mạn tính, người bệnh phải theo dõi và kiểm soát tình trạng bệnh gần như suốt đời chứ không thể chữa trị khỏi hẳn. Chính vì vậy, người bệnh thường có cảm giác lo sợ và có tâm lý phản kháng, không muốn mình bị bệnh hoặc hy vọng đây là bệnh lý có thể điều trị khỏi hẳn trong vòng vài tháng.

"Một số người bệnh có thể bị rối loạn lo âu và trầm cảm. Tâm lý không ổn định khiến người bệnh có những hành động sai lầm, dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng và khó điều trị hơn. Một số người tìm đến những phương pháp điều trị không khoa học hoặc bỏ dở liệu trình điều trị giữa chừng khiến bệnh nặng hơn và có thể xuất hiện nhiều biến chứng khác” - BS Triết khuyến cáo.

Nhằm hưởng ứng Ngày đái tháo đường thế giới 14-11, phân khoa Nội tiết, khoa Nội tổng hợp BV ĐH Y Dược tổ chức sinh hoạt định kỳ câu lạc bộ Người bệnh đái tháo đường lần thứ 6. Đây là cơ hội để những người bệnh đái tháo đường gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm bản thân trong quá trình “chiến đấu” với bệnh, giúp người bệnh có thêm niềm tin và động lực để sống vui, sống khỏe.

Chương trình diễn ra lúc 7 giờ sáng Chủ nhật (5-11) tại hội trường 3A, lầu 3, khu A, BV ĐH Y Dược, 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP.HCM. Đăng ký tham dự miễn phí theo số điện thoại: (028) 3952 5449 - (028) 3952 5422.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm