Mất một chân vì ngâm lá cây... tào lao

“Do chân trái ông LVH (46 tuổi, ở huyện Cần Giờ, TP.HCM) bị hoạt tử quá nặng, bác sĩ (BS) buộc phải cắt cụt từ giữa đùi để giữ tính mạng cho ông. Hiện sức khỏe ông H. đã ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới”.

Chiều 24-7, BS Nguyễn Hữu Tâm, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP.HCM, cho biết thông tin trên.

Trước đó, BV Chấn thương chỉnh hình tiếp nhận ông H. trong tình trạng bàn chân trái hoại tử nặng, viêm tủy phù nề từ cổ chân lên đùi, rơi vào tình trạng suy giảm miễn dịch.

Ông H. đang được vợ chăm sóc tại BV Nhân dân 115 TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Ông H. cho biết cách đây độ 4 tháng, bàn chân trái của ông xuất hiện một mụt nhỏ, không đau. Thời gian sau, mụt dần sưng to khiến ông đi đứng khó khăn. “Tôi tự mua thuốc tây về uống và phát hiện chân trái ngày càng sưng to, đau nhức, không thể đi đứng được” – ông H. nói.

Nghe người quen mách ngâm chân đau với lá chà xanh (không phải lá trà dùng uống – PV) sẽ hết sưng và khỏi đau, ông H. liền tìm mua. Về nhà, ông để chung lá này với nước ấm rồi vò nhuyễn, sau đó ngâm chân đau độ 10 phút.

“Ngâm được 5 ngày, chẳng những chân vẫn sưng to mà còn đau nhức hơn trước. Chưa hết, mụt bị bể trào nước dịch vừa nhiều vừa tanh…. Tôi đến BV địa phương rồi được chuyển lên BV Nhân dân 115” – ông H. nói thêm.

Tại BV Nhân dân 115, các BS thường xuyên cắt, lọc mô hoại tử và làm sạch nhằm cứu chân trái ông H. Tuy nhiên, do chân trái ông H. rơi vào tình trạng nhiễm mô tế bào quá nặng nên BS phải cắt cụt từ giữa đùi.

Theo BS Tâm, tình trạng như ông H. trước đây xảy ra khá nhiều, nay hiếm gặp. “Người lớn tuổi, bệnh nhân tiểu đường hoặc suy giảm miễn dịch, trẻ em khi bị tổn thương tứ chi (trầy xướt, nổi mụt, bầm…) không nên đắp, ngâm những loại lá không rõ tác dụng vì dễ gây dị ứng, viêm nhiễm mô tế tào. Trong trường hợp nặng hơn sẽ gây mô tế bào áp xe hóa, dẫn đến viêm hoại tử mô tế bào gây nhiễm trùng huyết toàn thân, ảnh hưởng tính mạng” – BS Tâm khuyến cáo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm