Một bệnh nhân múc bỏ mắt do nhiễm nấm

Anh Đỗ Tấn Long (46 tuổi, ngụ Long An) làm nghề thợ hồ. Cuối tháng 9 vừa qua, một hôm anh thấy xốn xốn ở mắt trái, tự đi mua thuốc về nhỏ gần 10 ngày nhưng không khỏi nên lên BV Mắt TP.HCM khám. Tại đây anh được nhập viện điều trị nội trú bốn ngày. “Bác sĩ nói bệnh đã bớt và cho toa về nhà, năm ngày sau tái khám” - anh Long cho biết.

Sau khi tái khám trở về, chỉ hai ngày sau mắt anh Long nhức chịu không nổi nên anh trở lại BV Mắt nhập viện. “Ban đầu tuy xốn xốn nhưng nhìn bình thường, khám về thấy mờ mờ và bây giờ không thấy gì luôn. Bác sĩ khám bảo mắt hư, phải múc bỏ, không giữ lại được” - anh Long tâm sự.

Tiếp chúng tôi, BS-CKII Bùi Thị Thu Hương, phụ trách phát ngôn, cung cấp thông tin báo chí của BV Mắt TP.HCM, cho biết bệnh nhân Long đến khám mắt tại khoa Giác mạc, nhập viện từ ngày 26 đến 29-9 với thị lực mắt trái rất mờ, viêm loét giác mạc, kèm mủ trong mắt. Bệnh nhân được chẩn đoán nguyên nhân do nấm. “Bệnh nhân Long được triều trị bằng thuốc nhỏ, thuốc kháng nấm và có đáp ứng điều trị” - BS Hương cho biết.

Sau khi xuất viện một tuần, bệnh nhân đến tái khám với tình trạng loét giác mạc mắt trái, đau nhức, mủ trong mắt tiến triển nặng trở lại nên cho nhập viện lần hai. Bệnh nhân được điều trị kháng nấm bằng thuốc nhỏ và thuốc uống. Lúc này mắt trái bệnh nhân có nhiều mủ nên được cho lấy bớt. Tuy nhiên, bệnh vẫn tiến triển nặng và gây thủng giác mạc rộng, khó giữ được mắt. “Bác sĩ điều trị đã giải thích rõ cho bệnh nhân hiểu và bệnh nhân đã quyết định xin bỏ mắt” - BS Hương nói.

Bệnh nhân Đỗ Tấn Long đã phải múc bỏ mắt vì viêm loét giác mạc do nấm. Ảnh: TÙNG SƠN

Theo BS Hương, viêm loét giác mạc do nấm là một loại bệnh nặng. Thời gian điều trị kéo dài nên những trường hợp có đáp ứng điều trị, bệnh nhân được chuyển ngoại trú để tránh nhiễm thêm vi trùng khác, có điều kiện nâng cao sức đề kháng. Nếu diễn biến nặng thì có thể nhập viện trở lại. Phương pháp điều trị gồm thuốc nhỏ và uống, nếu điều trị không đáp ứng, nặng thì mới phẫu thuật.

“Viêm loét giác mạc do nấm tỉ lệ chữa khỏi không cao và nếu lành vẫn có thể bị tái phát” - BS Hương nhấn mạnh.

Ngày càng khó điều trị

Viêm loét giác mạc do nấm (VLGMN) là một bệnh nhiễm trùng giác mạc khó điều trị. Hiện nay tỉ lệ VLGMN ngày càng tăng và khó điều trị hơn do vệ sinh môi trường kém, chế độ bảo hộ lao động kém và sự lạm dụng sử dụng các chế phẩm tra mắt có corticosteroid. Việc điều trị thường phải rất tích cực và kéo dài hàng tháng hay nhiều tháng.

Tác nhân gây bệnh: Hơn 105 loài nấm gây bệnh ở mắt, được chia làm bốn nhóm chính: Nấm sợi có vách ngăn, không có sắc tố; nấm sợi có vách ngăn, có sắc tố; nấm sợi không vách ngăn; nấm men. Nhìn chung nấm sợi khó chẩn đoán và khó điều trị hơn nấm men.

Tiến triển của bệnh âm ỉ, từ từ phát triển rộng hơn và ở các lớp sâu của nhu mô giác mạc. Hầu hết trường hợp là VLGMN do nấm sợi. Đây là một bệnh cần được chẩn đoán sớm và chỉ định các phương pháp điều trị bằng thuốc và phối hợp với các can thiệp khác một cách phù hợp. Mục đích ưu tiên là thanh toán nhiễm trùng và bảo tồn nhãn cầu. Ghép giác mạc điều trị VLGMN được chỉ định khi mắt có biến chứng thủng hoặc dọa thủng và không đáp ứng với điều trị nội khoa.

(Theo Hội Nhãn khoa Việt Nam)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm