Một kiểu kinh doanh nguy hiểm

Có thể kể đến một số loại cây đã gây “sốt” trong thời gian qua như nấm lim xanh, mật nhân, xáo tam phân, cây lược vàng, ba kích… và gần đây là cây đinh lăng và cây nở ngày đất.

Trước đây, cây lược vàng cũng từng lên cơn sốt do được “thổi” trị bá bệnh. Nhiều người tin và mua về dùng, thậm chí mua về trồng trong nhà để… dùng dần. Sau đó Viện Dược liệu (Bộ Y tế) vào cuộc và thông tin cây lược vàng chỉ chữa viêm răng lợi, dạ dày, đau xương khớp… chứ không trị bá bệnh. 

Một kiểu kinh doanh nguy hiểm ảnh 1
 Cây lược vàng một thời gian được truyền miệng rất rộng rãi là loài cây trị bá bệnh. Hình minh họa

Cơ quan này còn nghiên cứu và công bố khi chiết lá và thân cây lược vàng thì có độc tính cấp. Ở một hàm lượng nhất định chất độc này có thể làm chết chuột thí nghiệm. Khi thông tin này đưa ra thì cơn sốt cây lược vàng... lập tức hạ nhiệt.

Một dạo cây mật nhân cũng từng lên cơn sốt vì cũng bị “thổi” trị được bá bệnh. Sau đó các chuyên gia trong ngành y học cổ truyền phản bác loại cây này không trị bá bệnh như tin đồn. Nếu giá bán tại thời điểm đó là 500.000 đồng/kg thì hiện tại giá chỉ còn dưới 100.000 đồng/kg mà chẳng ai mua.

Tiếp cận những người bán dạo, được biết họ lấy các loại “thần dược” này từ các đầu mối phân phối và bán lại kiếm lời, hoàn toàn không biết công dụng trị bệnh của chúng. Chính những đầu mối là người tạo ra các cơn sốt… ảo này. Để tạo ra cơn sốt, họ đã nghiên cứu tâm lý người bệnh và tổ chức tin đồn khá bài bản.

 Ngoài ra, họ còn mở hàng loạt trang web để “thổi” những loại cây này và nhiều cửa hàng tại các địa phương khác ngoài TP.HCM như Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng… để bán hàng.

Một kiểu kinh doanh nguy hiểm ảnh 2
 Cây nở ngày đất đang "làm mưa làm gió" thị trường thần dược vỉa hè thời gian gần đây. Hình min họa

Với kiểu kinh doanh sức khỏe nguy hiểm này, món lời họ thu vào không nhỏ. Tiếp cận với một số đầu mối ở TP.HCM, họ luôn rêu rao: Cây này cây kia đang bán rất chạy. Mua bán lại cũng có lời. Họ cung cấp sỉ và lẻ, cần bao nhiêu cũng có. Ví dụ giá bán lẻ cây nở ngày đất tươi 80.000-90.000 đồng/kg thì họ để cho người bán lại 50.000-60.000 đồng/kg. Tương tự, củ đinh lăng được bán 250.000-350.000 đồng/kg thì giá sỉ thấp hơn 40.000-50.000 đồng/kg. Nhu cầu tới đâu, họ tổ chức cho các chân rết ở các tỉnh thu gom chở về TP đáp ứng tới đó.

Như vậy người thu lợi nhiều nhất trong cơn sốt ảo này là các đầu mối cung cấp. Chỉ cần rộ lên trong một thời gian ngắn thôi là họ gom được số tiền khá lớn trước khi cơn sốt xẹp xuống.

BS Trần Văn Năm, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho rằng: “Tâm lý người có bệnh thì vái tứ phương. Vì vậy khi nghe tin đồn loại cây gì chữa đúng bệnh mình đang gặp phải thì chạy đi mua dùng thử. Nhưng người mua cũng cần tỉnh táo và thận trọng khi uống những loại thảo dược. Vì thảo dược trong tự nhiên cũng có loại lành tính, có loại độc tố cao. Nếu người bệnh cứ uống theo tin đồn hoặc “bí quyết gia truyền” thì rất có hại cho sức khỏe”.

Trong các cơn sốt thảo dược chữa bệnh, vai trò của các cơ quan quản lý y tế rất quan trọng trong việc thông tin, giải thích kịp thời. Bởi nếu chậm, người kinh doanh không có lương tâm lại đục nước béo cò, trong khi người dân mù mờ đã lỡ mua dùng, tiền mất tật mang.

HUYỀN VI

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.