Ngộ độc nghi ăn bánh mì chà bông: Chuyển viện 11 trẻ nặng

Liên quan sự việc hơn 30 trẻ nhập viện nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì chà bông, ngày 29-10, BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết khoa đã tiếp nhận 11 bệnh nhi từ BV quận Tân Phú chuyển đến.

Ngay lập tức, BV đã huy động nguồn lực, phương tiện cấp cứu các bệnh nhi. Đích thân giám đốc BV chỉ đạo phòng ngừa trường hợp số ca nhập viện sẽ tiếp tục tăng cao.

Các bệnh nhi nhập viện có độ tuổi 5-9, có cùng biểu hiện nôn ói, tiêu chảy nhiều, trụy mạch, sốc mạch, nghĩ nhiều nhất đến nguyên nhân tiêu chảy cấp gây rối loạn tiêu hóa mức độ nặng. BV quận Tân Phú đã xử trí cấp cứu ban đầu phối hợp với BV Nhi đồng 1 rất tốt. 

Tại BV Nhi đồng 1, các bệnh nhi đã được tiếp tục xử trí điều trị tích cực, truyền dịch liều tấn công, giảm sốc. Sáng nay còn một bệnh nhân nằm khoa cấp cứu, bốn ca nặng nhất nằm ở khoa hồi sức và sáu ca được điều trị ở khoa tiêu hóa. Hiện các trẻ nặng đã qua cơn nguy kịch, mạch, huyết áp ổn định, các ca nằm ở khoa tiêu hóa có thể được xuất viện trong một, hai ngày tới.

Các bác sĩ BV Nhi đồng 1 thông tin tình hình bệnh nhân. Ảnh: HL

BS Phương cho biết bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa có thể do nguyên nhân từ thực phẩm. Tuy nhiên, để biết nguyên nhân chính xác cần lấy mẫu thực phẩm, dịch ói xét nghiệm.

Cũng theo BS Phương, thức ăn có nhiều nguy cơ gây ngộ độc khi không đảm bảo an toàn thực phẩm như nhiễm vi khuẩn tụ cầu, vi khuẩn salmonella, vi sinh, ngoài ra còn có thể do những chất phụ gia để bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, có những thực phẩm được sản xuất từ rau, củ quả nhiễm chất bảo vệ thực vật, thu hoạch, chế biến không đúng cách sẽ gây ngộ độc.

Thức ăn bình thường tốt nhất được bảo quản ở 24 độ C và không được để ngoài môi trường quá lâu, tốt nhất là nên ăn ngay sau khi vừa chế biến. Nếu nhiệt độ nóng quá sẽ tạo điều kiện cho vi trùng sinh sôi nảy nở.

Chị Thanh Bạch chăm con trai năm tuổi tại khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 1. Ảnh: HL

Ngộ độc thực phẩm có biểu hiện chung là ói, đau bụng, nhức đầu, tiêu chảy. Nếu có các biểu hiện trên, người lớn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp ngay như rửa dạ dày đào thải chất độc và cho chất trung hòa như than hoạt tính, tìm nguyên nhân. Trẻ ngộ độc có cơ địa suy giảm miễn dịch hay có bệnh lý nền thì triệu chứng sẽ nặng hơn. 

Đang chăm sóc bé Nguyễn Khang (năm tuổi) tại khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 1, chị Nguyễn Hồng Thanh Bạch cho biết sáng 28-10, bé Nguyễn Khương (tám tuổi, con trai chị) đi lễ nhà thờ đem về một cái bánh mì trứng cút chà bông và cho em trai là bé Khang ăn trứng cút, còn mình ăn chà bông và bánh mì.

"Ăn xong, một lúc sau thì đứa em mệt, ói, tôi dìu vào nhà vệ sinh xong ra thấy đứa anh cũng kêu mệt nên đưa vào BV quận Tân Phú. Giờ anh của bé vẫn ở BV quận Tân Phú" - chị Bạch kể lại. 

Do số ca nghi ngộ độc nhập viện rải rác nên hiện số bệnh nhi ở cả BV Nhi đồng 1 và BV quận Tân Phú là khoảng 47 trường hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm