Người bị khỉ cắn nên chích ngừa dại và uốn ván

Sáng 15-11, đại diện Chi cục Kiểm Lâm TP.HCM cho biết đã đưa con khỉ cụt chân phải, đuôi dài, răng nanh dài, nặng khoảng 7 kg về Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi (TP.HCM) để tiếp tục nuôi dưỡng và chăm sóc.

“Con khỉ này đã cắn vài người ở phường Thạnh Xuân, quận  12, TP.HCM. Khỉ mang nhiều virus truyền bệnh cho người, do đó người bị khỉ này cắn nên chích ngừa dại và uốn ván, theo dõi sức khỏe và đến cơ sở y tế ngay nếu có biểu hiện bất thường” – vị này khuyên.

Khỉ cụt chân phải, đuôi dài cắn nhiều người ở quận 12, TP.HCM. Ảnh: CHI CỤC KIỂM LÂM

Trước đó, ngày 10-11, ông LMT (36 tuổi) đang làm việc ở xưởng gỗ trên địa bàn phường Thạnh Xuân thì bị con khỉ cụt chân, đuôi dài cắn xước da, chảy máu. Sau đó nó bỏ chạy về hướng bụi rậm.

Chiều hôm sau (11-11), cũng con khỉ này từ trên cây nhảy xuống và cắn vào tay một công nhân làm việc tại xưởng gỗ nói trên. Do vết cắn của con khỉ khá sâu nên máu ra nhiều.

Chưa hết, ngày 12-11, một số người câu cá cạnh xưởng gỗ nói trên cũng bị con khỉ cụt chân phải, đuôi dài cắn tay, cắn chân.

Từ phản ánh của dân, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM sử dụng thuốc tê để bắt con khỉ nói trên vào ngày 13-11.

Trước đó, tháng 1-2021, trên địa bàn phường Thạnh Xuân, quận 12 cũng đã xuất hiện đàn khỉ khoảng 10 con liên tục quậy quá, lấy trộm thức ăn khiến các hộ dân lo sợ. Sau đó, UBND phường Thạnh Xuân làm công văn đề nghị Chi cục Kiểm lâm TP.HCM hỗ trợ bắt đàn khỉ nói trên chuyển về Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi để chăm sóc.

Đại diện Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết 10 con khỉ nói trên mang đặc điểm khỉ đuôi dài, thuộc động vật hoang dã quý hiếm, nằm trong nhóm 2 thuộc Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Vị đại diện còn cho biết 10 con khỉ nói trên có bản năng tự nhiên, khi đói có thể vào nhà dân trộm đồ ăn và tấn công người, nhất là em bé. Do vậy, người dân không nên tự ý bắt giữ hoặc kích động khỉ mà nên báo cho cơ quan kiểm lâm xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm