Người tiêu dùng đối mặt dư lượng hóa chất trong thực phẩm

Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), dựa theo tác nhân gây bệnh ghi nhận Việt Nam có tới 400 loại bệnh truyền qua thực phẩm như tả, lỵ, trực trùng, tiêu chảy, thương hàn, cúm gia cầm… Năm 2006, tỉ lệ mắc bệnh giun, sán ước có hơn 60 triệu người. Bệnh sán lá gan lớn có ở 18 tỉnh, bệnh sán lá gan nhỏ có ở 24 tỉnh. Bệnh sán lá phổi có ở tám tỉnh phía Bắc với tỉ lệ 15%. Bệnh sán lá ruột có ở 11 tỉnh với khoảng 4.000 người mắc.

Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM lấy mẫu rau tại chợ đầu mối Thủ Đức để phân tích thuốc trừ sâu. Ảnh: TRẦN NGỌC

Chưa giải quyết dứt điểm những hạn chế

Việt Nam hiện đang đối mặt với những thực trạng đáng quan tâm. Do hạn chế trong công tác kiểm soát nông sản thực phẩm nên vẫn tồn tại tình trạng dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong rau quả; kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng trong sản phẩm động vật và thủy sản; sử dụng chất cấm trong chăn nuôi… Bên cạnh đó, vẫn còn hạn chế trong kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm. Các cơ sở giết mổ gia súc tập trung chỉ mới đạt 15%, trong đó các tỉnh phía Bắc chỉ đạt 2,5%.

Thực phẩm hiện rất đa dạng, phong phú về chủng loại. Tương tự, các chất phụ gia thực phẩm, hóa chất phụ gia ngoài danh mục cho phép sử dụng cũng rất đa dạng mà người sản xuất, chế biến thực phẩm do cố tình hay thiếu hiểu biết cho thêm vào để tạo được một đặc trưng nhằm đạt lợi nhuận phi pháp.

Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa tại các TP lớn tăng nhanh, dẫn đến nguy cơ nhiễm chéo từ độc chất môi trường vào thực phẩm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn thực phẩm.

TP.HCM hướng đến thực phẩm sạch

TP.HCM phải nhập 80% nông sản, thực phẩm từ các tỉnh và nước ngoài. Để đảm bảo người dân được sử dụng thực phẩm an toàn, trong những năm qua TP.HCM đã có nhiều giải pháp đồng bộ, căn cơ.

TP đã liên kết chặt chẽ với các tỉnh để triển khai thực hiện quản lý “chuỗi thực phẩm an toàn” nhằm cung cấp cho người dân thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Hiện cơ quan quản lý thực phẩm đang tăng cường thông tin, giới thiệu và hướng dẫn người dân sử dụng sản phẩm của chuỗi. Sắp tới, sản phẩm của chuỗi cũng sẽ được bán rộng rãi trên hệ thống các cửa hàng tiện tích của TP.

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn tăng cường hoạt động lấy mẫu, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị. Đồng thời xử lý sai phạm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm bẩn đến các tỉnh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng TP.HCM.

Đề xuất thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành

TP.HCM cũng đang tăng cường năng lực kiểm nghiệm, test nhanh thực phẩm, đầu tư kỹ thuật cao trong hoạt động kiểm nghiệm để phát hiện nhanh, chính xác các chất cấm trong thực phẩm và cung cấp kết quả kịp thời để phục vụ cho công tác xử lý. Việc làm nói trên nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm từ các tỉnh đưa vào TP tiêu thụ qua các cửa ngõ, chợ đầu mối.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng TP.HCM cũng kiểm soát chặt nguồn thực phẩm được sản xuất, chế biến và kinh doanh trên địa bàn TP, kể cả các cơ sở giết mổ trên địa bàn. Hoạt động trên nhằm hướng đến phát triển cơ sở giết mổ tập trung, ngăn chặn tình trạng giết mổ lậu.

Điều đáng quan tâm là hiện nay TP đang đề xuất thành lập một cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm trực thuộc UBND TP.HCM. Cơ quan này tập hợp các nhân sự chuyên ngành đã có sẵn để quản lý các chợ hóa chất, chợ kinh doanh thực phẩm; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời kiểm soát chặt an toàn thực phẩm từ khâu nuôi trồng đến bàn ăn.

Mặc dù TP.HCM có nhiều nỗ lực trong quản lý thực phẩm nhưng tình hình an toàn thực phẩm hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp. Do vậy, để bảo vệ bản thân và gia đình, người tiêu dùng hạn chế mua các thực phẩm chế biến sẵn như tỏi, sả xay, rau củ… đã thái sẵn, ngâm nước hoặc thịt, cá xay nhuyễn vì có nhiều nguy cơ sử dụng chất tẩy trắng, hàn the.

Đơn vị tài trợ: 

Chi nhánh Công ty TNHH TM-DV Chăn nuôi Nông nghiệp Việt Úc. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm