Nhiều trẻ bị bội nhiễm, chuyển biến nặng do tay chân miệng

Thời tiết Hà Nội những ngày qua nắng nóng gay gắt khiến các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng (TCM) tăng cao, lây lan nhanh chóng trong khu dân cư, cộng đồng. Số ca ghi nhận tại các bệnh viện (BV) không chỉ nhiều hơn năm trươc mà biến chứng nặng hơn, diễn biến khó lường hơn.

BV E Trung ương (Hà Nội) mỗi ngày tiếp nhận từ 10-15 trường hợp tới khám và điều trị do mắc bệnh TCM. Bệnh nhân có biểu hiện phỏng nước trên da, niêm mạc, ở lòng bàn tay, bàn chân, các dấu hiệu bệnh nặng như sốt cao không giảm, li bì...

Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện E. Ảnh: THANH XUÂN

Tương tự, BV Quân Y 103 cũng liên tục ghi nhận các ca bệnh TCM ở nhiều lứa tuổi, có trường hợp bé mới 5 tháng tuổi, cũng có những bé 5,6 tuổi nhưng vẫn bị TCM.

Theo các bác sĩ, TCM do nhiều chủng virus gây nên, vì vậy trường hợp bé mắc bệnh rồi vẫn có thể mắc lại. Đối với những trường hợp không cẩn thận, lần mắc sau sẽ nặng hơn lần mắc trước, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Đơn cử như trường hợp của bệnh nhi PTT (11 tháng tuổi), ngụ tại quận Hà Đông, Hà Nội.

Theo gia đình cho biết, vào cuối tháng 6 bé mắc bệnh TCM, ban đầu chỉ sốt nhẹ khoảng 38 độ, miệng có vài nốt đỏ, sau đó lan ra lòng bàn tay, lòng bàn chân. Gia đình cho bé đi khám tại BV Quân Y 103 thì được các BS chẩn đoán TCM độ 1, theo dõi tại nhà.

Sốt cao trên 39 độ không hạ, ngủ li bì, giật mình khi ngủ là dấu hiệu của tay chân miệng độ 2, cần phải nhập viện để điều trị. Ảnh: THANH XUÂN

“Những ngày đó cháu đau miệng, không ăn uống được, thường xuyên quấy khóc. Tay chân cháu nổi các nốt có mọng nước khá dày, tuy nhiên 3 ngày sau thì hết hẳn sốt, đau miệng chỉ còn các nốt ở tay chân” – anh T, bố bệnh nhi cho biết.

Sau khi hết được 10 ngày, ở cổ và chân bé T. tiếp tục lên những nốt đỏ, nhìn khác hẳn những nốt TCM. Gia đình đưa bé xuống khám tại phòng khám gần nhà thì được chẩn đoán bị ngứa do nóng.

“Tối hôm đó thì con tôi sốt cao 39 độ, ngủ lì bì. Sáng hôm sau chúng tôi đưa cháu lên BV Nhi Trung ương khám thì được cho làm xét nghiệm máu và chẩn đoán TCM độ 2, bội nhiễm phải dùng kháng sinh” – anh T nói tiếp.

Theo các BS, bệnh TCM không có thuốc đặc trị và có nhiều loại virus gây bệnh, do đó 1 bé có thể mắc nhiều lần với những biểu hiện khác nhau.

ThS.BS Trương Văn Quý – Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E, cho biết nguyên nhân bệnh tay chân miệng đến từ virus đường ruột Enterovirus với 2 loại thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71. Đây là virus đường ruột nên chúng tồn tại ở môi trường và ngay trong bản thân trẻ. Đặc biệt, đối với những nơi tập trung trẻ em như trường học, khu vui chơi... sẽ tồn tại nhiều virus gây bệnh.

Khi mắc TCM trẻ không thể tự tạo ra miễn dịch do cơ thể có thể mắc nhiều chủng virus tay chân miệng khác nhau qua mỗi năm. Vì vậy, trẻ mắc TCM có thể tái mắc sau đó. Hiện nay bệnh này chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Qua đây, BS Quý cũng khuyến cáo người dân, khi trẻ mắc TCM cần quan sát kỹ, nếu có các dấu hiệu như sốt cao 39 độ dùng hạ sốt không hạ, ngủ lì bì, co giật cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Trường hợp cần thiết phải nhập viện điều trị.

Để phòng tránh bệnh, ThS Quý  khuyến cáo nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay... Cạnh đó, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Hạn chế hoặc không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc TCM tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó có 6.662 trường hợp nhập viện, không có tử vong.

So với cùng kỳ năm 2019, số mắc cả nước giảm 55,6%, số trường hợp nhập viện giảm 51,5%. Tuy vậy một số nơi ghi nhận số mắc gia tăng trong các tuần gần đây như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng và Bắc Ninh.

Ngày 14-7, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã gửi công văn yêu cầu chính quyền các cấp, huy động các Ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.

Yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục tổ chức các hoạt động truyền thông sâu rộng phòng, chống dịch bệnh TCM tại các trường học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm