Nhiều trẻ bị nhiễm khuẩn huyết đến nguy kịch do chủ quan với mụn nhọt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tính từ đầu tháng 9 đến nay, khoa Điều trị tích cực nội khoa – Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho 8 trẻ bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng.

Đây là loại vi khuẩn gây nên nhiều bệnh cấp tính nặng, rất khó điều trị, có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Đặc biệt, các trường hợp nhiễm khuẩn huyết này thường khởi phát từ những vết thương nhỏ như mụn nhọt, vết thương ngoài da.

Bệnh nhi nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu đang được điều trị tại khoa Điều trị tích cực nội khoa - Bệnh viện Nhi Trung ương

Đơn cử như trường hợp bé gái PS (10 tuổi, ở Lai Châu), 3 tuần trước khi nhập viện bệnh nhi dẫm phải gai, bàn chân trái sưng và được điều trị tại nhà bằng thuốc nam.

Điều trị lâu ngày không khỏi, tình trạng bệnh nhi ngày một nặng, bàn chân trái sưng to hơn và chảy máu mũi nên gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu và được các bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết, suy đa tạng.

Do bệnh chuyển biến nặng, ngày 10-9 bệnh nhi được chuyển đến khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị trong tình trạng thở oxy, da tái, khó thở, suy sụt huyết động, xuất huyết ngoài da và niêm mạc… Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, có mủ màng phổi màng tim.

Sau khi hồi sức ổn định chức năng sống, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định phẫu thuật mổ bóc tách màng phổi, cắt màng tim ngoài tim để giải phóng mủ.  Tiếp đó tiến hành lọc máu, bồi phụ nhiều yếu tố đông máu cho trẻ. Tuy nhiên tiên lượng của vẫn rất nặng do bệnh nhi nhập viện muộn, tổn thương nhiều cơ quan gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Một trường hợp khác là bé gái PT (18 tháng tuổi, ở Hà Nội). 4 tuần trước bệnh nhi xuất hiện nốt mụn nhọt sau gáy, đến ngày thứ hai có triệu chứng sốt, đi ngoài phân lỏng nên được người nhà đưa đến khám tại bệnh viện tuyến huyện, được bác sĩ kê đơn thuốc về nhà uống.

Ngày thứ 3 bệnh nhi bắt đầu tím tái toàn thân, khó thở nên gia đình đưa vào bệnh viện tuyến tỉnh tiếp tục điều trị và được các bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết.

Bệnh nhi vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu gây tổn thương nhiều cơ quan, viêm phổi nặng, tràn mủ màng phổi, hạ huyết áp và rối loạn đông máu.

Bác sĩ cho biết, với các biện pháp điều trị tích cực như thở máy, dẫn lưu ổ mủ màng phổi, dùng các thuốc trợ tim và kháng sinh thích hợp, hiện bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, cai được máy thở. Tuy nhiên vẫn cần theo dõi thêm biến chứng khác của bệnh.

Theo Ths.BS Ngô Tiến Đông, khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiễm khuẩn huyết tụ cầu vàng là do các vi khuẩn tụ cầu, các loại vi trùng được phát hiện trên da hoặc trên mũi, có thể xuất hiện trên cơ thể người khỏe mạnh.

Thông thường các vi khuẩn này nằm trên da sẽ không gây bệnh hoặc chỉ gây ra các vấn đề nhiễm trùng da tương đối nhỏ. Tuy nhiên nhiễm khuẩn do tụ cầu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và các di chứng nặng nề nếu xâm nhập vào máu.

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn huyết tụ cầu ở trẻ em là do vi trùng xâm nhập vào cơ thể thông qua những nốt mụn nhọt ngoài da, những vết cắt hoặc vết thương khác khác trên vùng da lành... Chúng sẽ tiết ra các chất độc hại đối với cơ thể, dẫn đến các ổ viêm mủ ở nhiều cơ quan như phổi (viêm phổi hoại tử, viêm mủ màng phổi..), tim (viêm mủ màng tim, viêm trong buồng tim), xương khớp (các ở viêm mủ ở cơ, viêm mủ trong xương gây hoại tử xương), rối loạn đông máu gây tắc mạch chi mạch phổi hoặc gây chảy máu khó cầm nhiều cơ quan, áp-xe thận suy thận…

Nhiễm khuẩn huyết có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh.

Trẻ nhiễm khuẩn huyết tụ cầu thường có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, có thể có ban ngoài da, rối loạn tiêu hóa trên một trẻ đã hoặc đang có tổn thương mụn, nhọt ngoài da trước đó.

Ths.BS Ngô Tiến Đông khuyến cáo, để phòng tránh nhiễm khuẩn các bậc phụ huynh cần giữ vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, mặc thoáng cho trẻ, tránh để mồ hôi vì đây là điều thuận lợi để tụ cầu phát triển và gây bệnh.

Chú ý khi tắm cho trẻ nhỏ cần tắm kỹ ở những nếp gấp da, kẽ da vì ở đây thường tích tụ nhiều chất bẩn. Khi trẻ có mụn, nhọt cha mẹ không được tự ý chích, nặn hoặc dùng các loại cao dán, lá cây để đắp vì dễ gây viêm loét diện rộng, gây nhiễm trùng máu.

Đặc biệt trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phụ huynh cũng không nên vì tâm lý e ngại mà chậm trễ đưa trẻ đi viện, để bệnh của trẻ diễn biến nặng, gây trở ngại cho việc điều trị, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm