ECMO và những chuyện chưa kể - Bài 3:

Những cuộc đời tái sinh nhờ ECMO

Những ngày qua, căn nhà trọ của chị Võ Bão Cúc và anh Nguyễn Thanh Bình ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp luôn rộn ràng tiếng con trẻ. Không gian ấm áp ấy là điều mà anh Bình, chị Cúc không dám mơ tới ở thời điểm cách đây hơn hai tháng. 

Bà mẹ ba con vượt cửa tử trở về

Thời gian đó chị Cúc đang mang thai tuần thứ 37, chị bị đau bụng và được chẩn đoán thiểu ối, phải mổ sinh gấp. Tuy nhiên, sau khi mổ bắt con chị bất ngờ băng huyết, phải mổ lần hai cầm máu. Tình trạng xấu dần nên các bác sĩ (BS) quyết định chuyển chị từ BV đa khoa Đồng Tháp lên BV Chợ Rẫy TP.HCM. 
Tại đây, phát hiện chị bị viêm cơ tim, chức năng tim suy yếu do nhiễm thêm một loại virus nên các BS đã đặt máy ECMO để giành lại sự sống cho chị. Đặt máy ECMO được một tuần, chị Cúc tỉnh lại. Sau hơn một tuần cai ECMO, chị phục hồi các chức năng và được xuất viện. Chị Cúc chính là trường hợp mà BS Phan Thị Xuân, Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu, rất tin tưởng ECMO sẽ cứu được mà chúng tôi nhắc tới ở kỳ trước.

Vợ chồng chị Cúc vui mừng vì sắp được đoàn tụ gia đình trong ngày xuất viện. Ảnh: HL

Bình thường chị Cúc giữ trẻ và phụ bưng bê cho quán ăn, giờ đây bận con nhỏ nên ở nhà. Anh Bình làm phụ hồ cáng đáng gia đình, anh chia sẻ: “May mà viện phí được BV vận động lo giúp chứ không vợ chồng tôi cũng hết cách, đành phải xin về nhà lo hậu sự. Giờ cuộc sống còn khó khăn nhưng còn người còn của, chúng tôi nhất định sẽ cố gắng”.

 Anh Bình cũng khoe sau khi được xuất viện về nhà, vợ anh đã đi đứng, sinh hoạt trở lại bình thường, tối ngủ ngon. Bé gái khi mới sinh nặng 1,8 kg, đến giờ đã được 3,4 kg, hoàn toàn khỏe mạnh. 

Kỹ thuật ECMO là một hệ thống ôxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể giúp hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn khi bệnh nhân bị suy tim hoặc suy hô hấp nặng.

Mặc dù nhận thức ECMO hiệu quả trong điều trị, Bộ Y tế đã phê duyệt bảo hiểm y tế chi trả một phần chi phí chạy ECMO cho bệnh nhân nhưng các khoản vật tư tiêu hao còn khá cao, bên cạnh đó hằng ngày liên quan kỹ thuật này, bệnh nhân phải làm nhiều xét nghiệm tốn kém nhưng vẫn chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Đây cũng là trăn trở không của riêng BV Chợ Rẫy mà còn của các nơi đang ứng dụng kỹ thuật này.

TS-BS PHAN THỊ XUÂN, Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy
 

Bệnh viện tỉnh làm chủ kỹ thuật
Ngoài các ca bệnh được cứu khi đặt ECMO tại BV Chợ Rẫy, các BS nơi đây cũng tích cực chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Một trong những BV đã làm chủ được kỹ thuật này là BV đa khoa tỉnh Sóc Trăng.
BS Mạch Văn Quang, Trưởng Khoa hồi sức tích cực và chống độc, BV đa khoa tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ từ năm 2017, nhận thấy hiệu quả của ECMO nên BV đã quyết định sắm máy, đồng thời cử BS đi học ở BV Chợ Rẫy. Ca đầu tiên BV thực hiện ECMO là cho sản phụ Trần Thị Ánh Đào (30 tuổi) bị thuyên tắc ối trong khi rặn sinh được BV Sản - Nhi Sóc Trăng chuyển đến. Do học mà chưa được thực hành, các BS khá lo lắng nên đã nhờ êkíp từ BV Chợ Rẫy xuống hỗ trợ. “Bệnh nhân suy hô hấp, suy tuần hoàn rất nặng, nếu di chuyển sẽ tử vong. Trước đây các ca thuyên tắc ối hầu như không cứu được” - BS Quang cho biết. 
Tham gia đặt ECMO cấp cứu cho bệnh nhân Đào, BS Trần Thanh Linh, Phó Khoa hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy, nhớ lại: “Khi chúng tôi từ TP.HCM đến nơi thì tim bệnh nhân ngừng đập, phải ngay lập tức đặt ECMO. Sau khi tình trạng bệnh nhân ổn định, chúng tôi cử người ở lại để tiếp tục theo dõi”. Còn theo BS Quang, sau khi tận mắt chứng kiến sự kỳ diệu của phương pháp ECMO, ông và các nhân viên BV đa khoa tỉnh Sóc Trăng đều phấn khởi, tự tin thực hiện những ca sau này. 
Đến tháng 10-2019, BV tiếp nhận bệnh nhi Hà Phúc Thịnh (11 tuổi, ngụ huyện Long Phú) bị viêm cơ tim cấp. Trước đó, bệnh nhi sốt, khó thở nên gia đình đưa đến BV Sản - Nhi Sóc Trăng điều trị rồi đề nghị chuyển BV Nhi đồng 1 (TP.HCM). “Tuy nhiên, khi vừa ra khỏi phòng cấp cứu thì bệnh nhi bị choáng và suy hô hấp, ngưng tim nên các BS đã chuyển trở lại nhờ chúng tôi hỗ trợ” - BS Quang kể. 
Sau khi được đặt ECMO, bệnh nhi qua cơn nguy kịch và xuất viện chỉ sau một tuần. BS Quang cho biết chi phí điều trị bằng kỹ thuật ECMO rất tốn kém, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hầu như không thể chi trả. Do đó, ngoài hỗ trợ kỹ thuật, BV cũng phải vất vả kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ bệnh nhân nghèo.
Từ thành công của ECMO tại BV Chợ Rẫy, nhiều BV phía Nam như Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh nhiệt đới TP.HCM, đa khoa tỉnh Sóc Trăng, đa khoa Trung ương Cần Thơ và cả các tỉnh miền Trung, miền Bắc đã gửi BS, điều dưỡng đến học, đề nghị được chuyển giao kỹ thuật. Ngày càng có nhiều BV trên cả nước chuẩn bị nhân lực và cơ sở vật chất để thực hiện ECMO nhằm cứu sống nhiều bệnh nhân hơn nữa.•

Bệnh nhân xuất viện mua máy ECMO tặng bệnh viện

Ngoài Khoa hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy, các khoa khác như phẫu thuật tim cũng cần đặt máy ECMO. Nhiều lúc dù các máy ECMO hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đủ, các BS phải mượn thêm ở nơi khác. Trong khi chờ máy, BS đành dùng các phương pháp hồi sức truyền thống để cầm cự. 

Chứng kiến cảnh BV không có đủ máy để cứu người, một bệnh nhân đã âm thầm đến đại lý phân phối đặt mua một máy ECMO tặng BV. Bệnh nhân này từng bị viêm phổi nặng được điều trị tại BV Phạm Ngọc Thạch rồi chuyển đến BV Chợ Rẫy để đặt máy ECMO. Sau 20 ngày được đặt máy, ông đã khỏe lại.
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm