Những giọt máu nghĩa tình ngày cuối năm

Hiến máu trước, nhà cửa tính sau

Chị Lê Thị Hoàng Triều đang hiến máu sáng 16-2. Ảnh: TRẦN NGỌC

Chị Lê Thị Hoàng Triều (37 tuổi, ở Bình Tân, TP.HCM) là người có mặt đầu tiên tham gia hiến máu. “Tôi làm ở một công ty nước ngoài, mới được nghỉ ngày hôm qua. Nói thiệt, nhà cửa còn bề bộn lắm nhưng cố gắng đi hiến máu trước rồi về dọn dẹp sau” – chị Triều mở lời.

Tháng 12-1996, báo đài nói nhiều đến hoạt động hiến máu nhân đạo nên chị Triều tham gia, khi đó chị tròn 18 tuổi. Sau này, đều đặn cách nhau bốn tháng là chị đến Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM để cho máu. “Đến giờ tôi hiến máu cả thảy được 24 lần. Cuối năm 2014 tôi được UBND TP.HCM tặng bằng khen vì thành tích nhiều lần hiến máu. Tôi còn vận động ba và hai đứa em hiến máu nhân đạo” – chị Triều trải lòng.

Hầu như đã thành thói quen, chị Triều thường tham gia hiến máu ngày cuối năm. “Ngày tết tai nạn xảy ra nhiều nên các bệnh viện rất cần máu để cấp cứu. Không chỉ tôi, không ít người tham gia hiến máu ngày cuối năm chỉ với mục đích tăng lượng máu dự trữ để kịp cứu sống người trong cơn nguy kịch” – chị Triều chia sẻ.

Tiếc vì hiến máu quá trễ 

Nhân viên y tế Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM kiểm tra sức khỏe anh Mọc Nhục Pẩu trước khi tiếp nhận máu. Ảnh: TRẦN NGỌC.

Vì lần đầu đến Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM để tình nguyện cho máu nên anh Mọc Nhục Pẩu (42 tuổi, người Hoa, ở quận Tân Bình, TP.HCM) không khỏi bỡ ngỡ. Được sự hướng dẫn tận tình của nhân viên trung tâm, anh Pẩu nhanh chóng vào phòng nhận máu. “Cách đây vài ngày, tình cờ nghe người anh ruột nói đến hoạt động hiến máu nhân đạo nên tôi mới biết. Sau đó tôi quyết định tham gia cho máu ngày cuối năm và xem đây là việc nên làm trong những ngày gần tết” – anh Pẩu tỏ lòng.

Anh Pẩu bộc bạch: “Người Việt cũng như người Hoa, thấy việc tốt là làm. Hiến máu cứu người là việc nên làm, vì vậy tôi chẳng đắn đo. Tôi chỉ tiếc là do mới biết hoạt động hiến máu tình nguyện nên tham gia cho máu trễ. Từ đây về sau, đúng định kỳ là tôi sẽ hiến máu” – anh Pẩu thiệt lòng.

Vội vàng dắt xe về nhà để còn dọn dẹp, quét dọn, anh Pẩu quên cả việc nhận phần quà hỗ trợ người hiến máu tình nguyện. “Tôi hiến máu chứ không nhận quà đâu. Đề nghị trung tâm tặng phần quà này cho người khó khăn, nghèo khổ để họ có cái dùng trong ba ngày tết” – anh Pẩu nói.

Thanh thản khi làm việc tốt ngày cuối năm

Anh Nguyễn Tuấn Anh khai báo thông tin cá nhân trước khi hiến máu. Ảnh: TRẦN NGỌC.

Vừa bước vào Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM, anh Nguyễn Tuấn Anh (32 tuổi, ở quận 3, TP.HCM), nói: “Biết hôm nay là ngày cuối trung tâm tiếp nhận máu nên tôi lật đật đi cho kịp, mặc dù nhà cửa bề bộn vì chưa dọn dẹp”.

Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, Tuấn Anh vào phòng nhận máu. “Hiến máu xong tôi vô cùng thanh thản vì chắc rằng máu tôi hiến sẽ cứu sống một người bị tai nạn hiểm nghèo trong những ngày tết. Tôi luôn nhớ thông điệp “Máu có thể chờ người bệnh nhưng người bệnh không thể chờ máu”. Do vậy đều đặn cuối năm tôi thường tham gia hiến máu” – Tuấn Anh chia sẻ.

Khi còn cấp sách tới trường, Tuấn Anh thường thấy ba mẹ tham gia hiến máu nhân đạo. Việc làm đầy tính nhân văn của ba mẹ đã ăn sâu vào tâm thức của Tuấn Anh. Vì vậy, khi đủ 18 tuổi Tuấn Anh đăng ký tình nguyện hiến máu cùng với ba mẹ. Sau đó đều đặn cách nhau ba tháng là Tuấn Anh đi hiến máu. “Đến nay tôi đã hiến máu được 60 lần. Tôi thầm hứa sẽ hiến máu cứu người đến khi không còn đủ sức khỏe nữa thôi” – Tuấn Anh thiệt lòng.

Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM ghi nhận những giọt máu nghĩa tình của tất cả người tham gia hiến máu. Trong những ngày tết, nhu cầu cần máu để cấp cứu tai nạn hiểm nghèo của các bệnh viện tăng cao. Vì vậy. máu hiến vô cùng cần thiết vào ngày cuối năm.

Như đã thành thông lệ, cuối năm nhiều người tham gia hiến máu và xem đây là việc tốt nên làm. Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM xin được tri ân những tấm lòng cao đẹp của người hiến máu.

BS BÙI VĂN THÊM, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm