Quá gắng sức tập thể thao: Coi chừng đột tử

“Bệnh nhân cảm thấy vẫn khỏe, không thấy khó thở, còn muốn tập luyện tiếp với cường độ cao nhưng không biết thông số huyết áp đang báo động, nếu tiếp tục có thể xảy ra đột tử rất nguy hiểm” - PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, chuyên gia hô hấp, Chủ tịch Hội Hen dị ứng miễn dịch lâm sàng TP.HCM, kể một số trường hợp chủ quan về sức khỏe có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng khi luyện tập thể thao.

Bệnh nhân không biết

Các trường hợp này may mắn được phát hiện khi đến thăm khám và được đo gắng sức tim mạch - hô hấp do phòng khám triển khai thời gian gần đây.

Một trường hợp điển hình là người bệnh nam (41 tuổi) cho biết hay mệt, khó thở khi vận động. Khi được đo gắng sức tim mạch - hô hấp để xác định nguyên nhân, các bác sĩ nhận thấy khi nghỉ ngơi, huyết áp bệnh nhân ở ngưỡng bình thường. Tuy nhiên, khi chỉ mới khởi động đạp xe, huyết áp bệnh nhân đã có dấu hiệu tăng. Khi đạp được 8 phút thì huyết áp bệnh nhân đã vọt lên 218 mmHg, vượt ngưỡng cho phép, có nguy cơ gây xuất huyết não dẫn đến liệt nửa người, thậm chí đột tử.

Một trường hợp khác, người bệnh nam (37 tuổi) cho biết thỉnh thoảng hồi hộp, chóng mặt khi tập luyện. Bệnh nhân được phát hiện huyết áp không tăng đều đáp ứng sinh lý bình thường mà tụt xuống thấp khi gắng sức thực hiện thao tác đạp xe đạp. Với mức huyết áp này, bệnh nhân có nguy cơ ngất xỉu và chấn thương, tăng bệnh lý tim mạch, thiếu máu nuôi não, tổn thương não, tử vong.

Ngoài ra, khi tập luyện gắng sức, bệnh nhân có thể bị rối loạn chức năng dây thanh và thường bị nhầm với bệnh hen suyễn không phải là hiếm. Phòng khám ghi nhận một trường hợp bé trai (10 tuổi) hay mệt, khó thở khi chạy nhảy. Bé được điều trị bệnh hen ở nhiều nơi và dùng thuốc xịt nhưng tình trạng không hiệu quả. Sau khi đo chức năng tim mạch - hô hấp, bé được xác định rối loạn chức năng dây thanh, không giống co thắt phế quản do hen suyễn. Việc dùng thuốc xịt tác động phế quản nhỏ không hiệu quả vì dây thanh nằm phía trên thuộc đường thở lớn.

Các trường hợp này được tư vấn thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng và khám chuyên khoa để được chẩn đoán cụ thể và lên chế độ luyện tập phù hợp.

Bệnh nhân đo chức năng tim mạch - hô hấp ở phòng khám BV ĐH Y Dược TP.HCM 1. Ảnh: HL

Chỉ phát hiện ra khi gắng sức

Nhận định những nguy cơ tiềm ẩn khi tập luyện thể thao với cường độ nặng, PGS Lê Thị Tuyết Lan cho biết khi triển khai đo gắng sức tim mạch - hô hấp, người đo sẽ được đánh giá đồng thời hệ tim mạch, hô hấp, thần kinh cơ và chuyển hóa từ lúc nghỉ ngơi, bắt đầu vận động nhẹ đến vận động cường độ cao. Trong lúc gắng sức này, nhiều bệnh lý không hiện diện lúc nghỉ mà chỉ xuất hiện trong lúc gắng sức được bộc lộ ra như huyết áp tăng giảm bất thường, rối loạn nhịp, thiếu máu cơ tim, hen suyễn, co thắt phế quản do gắng sức, rối loạn chức năng dây thanh...

Trước khi quyết định tập môn thể thao cường độ tập luyện cao, người tập nên đo khám các chức năng hô hấp - tim mạch để xác định mức tập luyện cho phù hợp. 

Các bệnh lý càng nguy hiểm khi xuất hiện lúc gắng sức ở cường độ thấp và người bệnh có thể không nhận biết được, dẫn đến khi thi đấu hay gắng sức tập nặng sẽ dễ gặp phải tai biến. Do đó, để đảm bảo an toàn, mỗi cá nhân nên tham vấn chương trình tập luyện phù hợp với giới hạn sức khỏe của bản thân (đặc biệt những đối tượng có nguy cơ tim mạch, hô hấp, ít tập luyện hay tập luyện thường xuyên với cường độ cao).

Giải thích thêm, ThS-BS Đặng Huỳnh Anh Thư, chuyên khoa tim mạch, cho biết huyết áp cao phần lớn không gây triệu chứng, 1% có thể có triệu chứng đau vai gáy nên được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Ngược lại, huyết áp thấp khi vận động còn nguy hiểm hơn do tim co bóp tống máu không nổi chứng tỏ chức năng co bóp của tim đang bị suy, rất dễ dẫn đến trụy tim mạch và đột tử. Các trường hợp này cần tìm ra nguyên nhân bằng cách chụp mạch vành kiểm tra có hẹp mạch vành hay không.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Điền kinh TP.HCM, nhận xét hiện nay người dân có nhu cầu tập luyện, nâng cao sức khỏe ngày càng nhiều. Đáp ứng nhu cầu của người dân, nhiều cơ sở rèn luyện thể chất cũng mọc lên. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm huấn luyện giảng dạy, ông Khanh nhận thấy nhiều người rèn luyện thể thao theo phong trào, bạn bè, sở thích chứ chưa chú trọng vào khoa học và học thuật, giúp nâng cao thể trạng khoa học. Nhân sự các cơ sở, phòng tập gym đến từ nhiều nguồn, ngoài được đào tạo bậc đại học, trong đó không ít huấn luyện viên chỉ tham gia các khóa học chứng chỉ ngắn hạn, tập luyện theo ý muốn của khách hàng. Vì vậy, việc tư vấn tập luyện đôi lúc không phù hợp. Người tập luyện dễ xảy ra chấn thương khi tập luyện hoặc tập không hiệu quả.

Bài tập phải phù hợp với thể trạng và sức khỏe

Về nguyên tắc, khi tập luyện và huấn luyện phải đi từ nhẹ đến nặng, kỹ thuật đơn giản đến phức tạp. Đáp ứng bài tập đối với mỗi người là hoàn toàn khác nhau tùy theo thể trạng và sức khỏe. Chính vì thế, các vận động viên trong đội tuyển tham gia thi đấu quốc gia, quốc tế đều được thăm khám sức khỏe trước khi thi đấu. Các trường hợp tập luyện không đúng cách dễ thấy nhất là cứng cơ, vọp bẻ, hoặc kỵ khí (không hít đủ ôxy để thở)... cho đến đột tử trong thể thao đã từng xảy ra.

Ông NGUYỄN TUẤN KHANHỦy viên Ban chấp hành
Liên đoàn Điền kinh TP.HCM
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm