'Rối' với mang thai hộ

“Luật đã ban hành thì chúng ta phải thực hiện. Trong quá trình thực hiện, chúng ta có thể đề nghị chỉnh sửa để luật phù hợp thực tế và mang tính nhân văn hơn”. GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, chia sẻ thông tin trên tại hội nghị phổ biến Nghị định 10/2015 (quy định sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo) do Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM tổ chức sáng 31-3.

Trước đó, nhiều câu hỏi khó được đặt ra và được các chuyên gia trả lời thỏa đáng.

Con dị tật, muốn thêm con thứ hai

Đồng cảm với nỗi đau của những cặp vợ chồng đã có con nhưng bị dị tật, TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ (TP.HCM), kể một cặp vợ chồng gọi điện thoại cho biết họ đã có con nhưng đứa bé bị hội chứng Down. Người vợ bị băng huyết sau sinh buộc phải cắt tử cung nên không thể mang thai. Họ rất muốn có thêm con bằng cách nhờ người mang thai hộ. “Căn cứ theo luật thì không thể giải quyết nhưng xét về mặt nhân văn thì mong muốn có thêm đứa con của họ là chính đáng. Những trường hợp như thế này có giải quyết không?” - TS-BS Tuyết đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Pháp luật dân sự thuộc Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp), cho rằng theo quy định, vợ chồng có con bị dị tật bẩm sinh thì không được áp dụng kỹ thuật mang thai hộ bởi vấn đề này liên quan đến quyền con người. “Nếu quy định cho phép thì đồng nghĩa chúng ta không thừa nhận quyền con người của đứa bé bị dị tật. Cha mẹ sinh con, cho dù con thế nào cũng là con của mình. Bởi vậy không thể lấy lý do con dị tật nên cần phải có đứa con bình thường khác. Chúng ta cần bảo vệ đứa bé bị dị tật” - ông Hải nhấn mạnh.

Cặp vợ chồng có con dị tật không được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Ảnh: TRẦN NGỌC

Mang thai hộ cho người nước ngoài: Chưa thể!

TS-BS Tuyết hỏi thêm: “Luật pháp Việt Nam không cấm người nước ngoài thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Tuy nhiên, nếu áp dụng kỹ thuật mang thai hộ cho người nước ngoài sẽ phát sinh những vấn đề liên quan đến luật pháp của hai nước. Còn nếu không cho người nước ngoài thực hiện mang thai hộ thì họ thưa kiện thì sao?”.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng không nên áp dụng kỹ thuật mang thai hộ cho người nước ngoài. Ông Quang giải thích: Thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ và phẫu thuật chuyển đổi giới tính hiện là vấn nạn của Thái Lan, đồng thời dẫn tới hậu quả về mặt pháp lý đối với các quốc gia khác.

Cách đây vài năm, đường dây phụ nữ Việt Nam sang Thái Lan mang thai hộ cho vợ chồng người Đài Loan và Nhật bị phát hiện. Hệ quả pháp lý đến giờ vẫn chưa giải quyết một cách thấu đáo. Sau khi đường dây nói trên bị đổ bể, đã có phụ nữ trở về Việt Nam mang thai của cặp vợ chồng người Đài Loan. Đứa bé sau khi sinh không được ai nuôi dưỡng. Bộ Y tế, Bộ Tư pháp Việt Nam làm việc với Văn phòng đại diện Đài Loan tại Việt Nam nhưng kết quả không mấy khả quan.

“Do vậy nếu Việt Nam cho người nước ngoài thực hiện kỹ thuật mang thai hộ thì rất khó giải quyết những hệ quả về mặt pháp lý khi người nước ngoài về nước. Chính vì vậy dù pháp luật Việt Nam không cấm người nước ngoài thực hiện kỹ thuật mang thai hộ nhưng chúng ta có thể trả lời rằng Việt Nam chưa thể thực hiện vì chưa có cơ chế pháp lý” - ông Quang nhấn mạnh.

Lo ngại mang thai hộ nhiều lần

Trong khi đó, BS Nguyễn Thị Ngọc Sương, khoa Hiếm muộn BV Hùng Vương (TP.HCM), lo ngại hiện nay các cơ sở thực hiện mang thai hộ chưa có hệ thống thông tin với nhau. Do vậy không loại trừ khả năng một người sẽ mang thai hộ nhiều lần tại các cơ sở khác nhau. Trong khi luật quy định một phụ nữ chỉ được phép mang thai hộ một lần.

Liên quan đến câu hỏi của BS Ngọc Sương, ông Quang cho biết các bệnh viện sẽ phải báo cáo lên Bộ Y tế thông tin người mang thai hộ để Bộ giám sát và quản lý. Do vậy một người không thể mang thai hộ nhiều lần. Sau này Bộ Y tế sẽ xây dựng phần mềm cho tất cả cơ sở y tế thực hiện kỹ thuật mang thai hộ để quản lý chặt chẽ.

Giấy chứng sinh ghi như thế nào?

Liên quan đến thủ tục pháp lý, TS-BS Tuyết cho biết trong trường hợp người được nhờ mang thai hộ có chồng thì phải được chồng đồng ý. “Tuy nhiên, nếu cặp vợ chồng chưa có giấy chứng nhận kết hôn thì người vợ được quyền mang thai hộ mà không cần sự đồng ý của chồng. Vậy cần thực hiện hồ sơ ra sao cho đúng luật?” - TS-BS Tuyết nêu câu hỏi.

Tương tự, PGS-TS Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), lại lo lắng về nguồn gốc của đứa bé sau khi được sinh từ người mang thai hộ. “Khi cấp giấy chứng sinh, bệnh viện sẽ ghi tên người sinh đứa bé, tức người mang thai hộ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc làm giấy khai sinh cho đứa bé sau này. Vấn đề này giải quyết thế nào?” - PGS-TS Hồng đặt câu hỏi.

GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng cặp vợ chồng đã có con chung nhưng chưa đăng ký kết hôn thì về mặt pháp luật chưa phải vợ chồng. Do vậy người phụ nữ này vẫn được phép mang thai hộ với điều kiện UBND phường, xã chứng nhận chị ấy chưa đăng ký kết hôn. “Liên quan đến câu hỏi của chị Hồng, trách nhiệm của Bộ Y tế là hướng dẫn các bệnh viện có khoa sản ghi rõ tên người mang thai hộ và người nhờ mang thai trong giấy chứng sinh để thuận lợi trong việc làm giấy khai sinh cho đứa bé sau này” - GS-TS Viết Tiến giải thích.

TRẦN NGỌC

Hợp lòng người

Năm 2005, trong lễ chào mừng 2.000 em bé ra đời bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại BV Từ Dũ, tôi có một ước ao mong Chính phủ cho phép áp dụng kỹ thuật mang thai hộ bởi thật sự rất nhiều phụ nữ đau khổ vì không thể sinh con do mắc bệnh hiểm nghèo. 10 năm sau (2015), Chính phủ chính thức cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ khi ban hành Nghị định 10/2015. Nghị định này vừa mang tính nhân đạo, nhân văn, vừa hợp lòng người và rất khoa học.

GS-BS NGUYỄN THỊ NGỌC PHƯỢNG, Chủ tịch
Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM

Cơ sở thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải tư vấn tâm lý và pháp luật kỹ càng. Chia sẻ và thông cảm nỗi đau với các cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất khi tiến hành thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.

GS-TS NGUYỄN VIẾT TIẾN, Thứ trưởng Bộ Y tế

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm