Sẽ đề xuất rút giấy phép vĩnh viễn phòng khám sai phạm

“Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đang ráo riết xử lý sai phạm và mau chóng trình Sở Y tế tham mưu UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt Phòng khám đa khoa (PKĐK) Khang Thái (87-89 Thành Thái, quận 10, TP.HCM). Phòng khám này hiện có bác sĩ (BS) Trung Quốc hành nghề”. Sáng 2-4, ông Nguyễn Mạnh Cường, Quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết thông tin trên.

Đưa Khang Thái và Royal vào “tầm ngắm”

Theo ông Cường, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã xác định các sai phạm của PKĐK Khang Thái, gồm: sử dụng người không có bằng cấp chuyên môn, quảng cáo quá phạm vi chuyên môn, hồ sơ bệnh án không ghi chép đầy đủ, không đeo bảng tên…

Ông Cường cũng cho biết Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP.HCM làm rõ hành vi “vẽ bệnh”, hù dọa người bệnh của PKĐK Khang Thái.

“Một khi hành vi này được xác lập, Sở Y tế TP.HCM trình Bộ Y tế đề nghị rút giấy phép hoạt động vĩnh viễn” - ông Cường nói.

Riêng về PKĐK Royal (202 Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM), ông Cường cho biết Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng đang làm việc với phòng khám này liên quan những nội dung báoPháp Luật TP.HCM đăng tải và sẽ có kết quả sớm nhất. Hiện không có BS Trung Quốc hành nghề tại phòng khám này.

Mặc dù không bằng cấp chuyên môn nhưng bà Lưu Quí Chi (Phòng khám đa khoa Khang Thái) vẫn khám và điều trị cho người bệnh. Ảnh: TRẦN NGỌC

Báo chí cần vào cuộc

Ông Cường cho biết thêm: Địa chỉ 87-89 Thành Thái, quận 10, TP.HCM trước đây là điểm hoạt động của PKĐK Elizabeth. Tương tự, địa chỉ 202 Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM trước đây là điểm hoạt động của PKĐK Baylor. Chưa hết, địa chỉ 1505 Ba Tháng Hai, quận 11, TP.HCM trước đây là PKĐK 3-2 nhưng hiện là điểm hoạt động của PKĐK Đại Việt.

“Doanh nghiệp có quyền đổi chủ đầu tư, đổi tên sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Do vậy không thể cấm PKĐK mới hoạt động tại địa chỉ của PKĐK trước đó” - ông Cường giải thích.

Theo ông Cường, Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho BS người nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam, trong đó có BS người Trung Quốc. BS người nước ngoài muốn hoạt động ở PKĐK nào thì phòng khám phải có công văn xin bổ sung nhân sự và gửi cho Sở Y tế TP.HCM. Hiện có 11 PKĐK trên địa bàn TP.HCM có BS Trung Quốc hoạt động. Bao gồm PKĐK Thái Bình Dương, Đại Đông, Thế Giới, Hoàn Cầu, Khang Thái, Hồng Phong, Thăng Long, Âu Á, Đại Việt, Ma Yo, Quốc Tế. Trong đó, PKĐK Ma Yo đang bị tạm đình chỉ hoạt động 4-5 tháng do hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn.

“Sở Y tế TP.HCM quyết liệt xử lý những sai phạm của các PKĐK có BS Trung Quốc để chấn chỉnh hoạt động. Đối với PKĐK tái phạm nhiều lần, Sở Y tế TP.HCM sẽ đề xuất Bộ Y tế rút giấy phép hoạt động vĩnh viễn” - ông Cường cho biết thêm.

Doanh nghiệp thành lập PKĐK một khi đáp ứng đầy đủ thủ tục đúng pháp luật thì cơ quan thẩm quyền phải cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, không ít PKĐK lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người bệnh rồi tìm đủ cách lấy tiền thiếu minh bạch.

Đề nghị cơ quan báo chí cùng vào cuộc và phản ánh đúng thực trạng những PKĐK làm ăn bất chính để tránh tình trạng bệnh nhân bị “vẽ bệnh” mà moi tiền.

Bà THI THỊ TUYẾT NHUNGTrưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm