Stress không hoàn toàn xấu

Stress không hoàn toàn xấu

Ảnh mang tính minh họa.

Không khó để tìm ra những nguyên nhân khiến dân thành thị bị stress. Song, không dễ nhận thấy bản thân chúng ta đang bị stress, và cũng không mấy ai chấp nhận họ đang lâm vào trạng thái này.

Vui hay buồn cũng... stress

Dễ gặp nhất là câu chuyện giao thông. Đường sá xuống cấp, chật hẹp và ngập lụt mỗi lần triều cường, thường xuyên gây ùn tắc giao thông vào giờ đi làm hoặc tan sở. Sự đông đúc trộn lẫn với khói xe, âm thanh hỗn tạp hối thúc từ những chiếc còi… Cảnh tượng nghẹt thở khiến con người ta trở nên giận dữ. Có người giải tỏa bằng một câu chửi thề, kẻ khác kìm lại trong lòng, nhưng kiểu gì cũng để lại trong mỗi người sự ngột ngạt. Mỗi cuối ngày đều lặp đi lặp lại như vậy, can trường lắm mới không bị stress.

Nhưng không phải chỉ lúc khó khăn, buồn khổ mới bị stress. Vui quá cũng stress như thường. Ví như câu chuyện sinh con. Đứa trẻ ra đời là hồi chuông báo hiệu một thai kỳ thành công, nhưng đồng thời lại mở thêm trang mới cho đôi vợ chồng trẻ: thời gian, chi phí, sức khỏe, dinh dưỡng... nhằm cho con trẻ một cuộc sống tốt nhất. Trong cái vui lại trộn lẫn những nỗi niềm lo toan như vậy, người không vững tâm lý thế nào cũng căng đầu óc.

Khủng hoảng kinh tế mang đến cho nhiều gia đình đô thị mối đe dọa lớn: thất nghiệp. Mất việc, không đủ chi phí trang trải cho gia đình sẽ dồn trên đôi vai người trong cuộc gánh nặng lo toan.

Trong một văn phòng làm việc, người quá rảnh rỗi lại chính là người đầy lo âu, áp lực. Bởi không việc làm cũng đồng nghĩa với chuyện họ bị sa thải nay mai. Tuy nhiên, với những người kham quá nhiều trọng trách thì cũng tỉ lệ thuận với nhiều căng thẳng: đúng tiến độ, năng suất. Cả những khi bạn là người thành đạt, có vị trí ổn định, lương bổng như ý, nếu bạn không thỏa mãn với vị trí hiện tại của mình, những toan tính trong đầu cũng dễ đẩy bạn nhanh chóng rơi vào stress.
Ở khía cạnh nào của cuộc sống bạn cũng dễ dàng nhìn thấy những áp lực đón đợi mình.

Vượt áp lực để tồn tại

Không vượt qua được chẳng qua là do không chấp nhận hoặc bỏ qua những triệu chứng bất thường từ những phản ứng của cơ thể. Đó có thể là hiện tượng vã mồ hôi, tim đập nhanh, thở gấp, bị rối loạn tiêu hóa, đau thắt ngực. Hàng loạt các biểu hiện về tâm sinh lý diễn ra sau đó, ví như tính tình thay đổi, nóng nảy, bất chợt lo âu, khó tập trung vào công việc, hay quên.

Theo một nghiên cứu của Mỹ, công nhân, thư ký, thanh tra, quản lý, nhà báo, trực tổng đài điện thoại, trưởng phòng...chính là những đối tượng dễ gặp stress nhất. Và những nghề nghiệp ít nguy cơ chính là việc nghiên cứu khoa học tự nhiên, kiến trúc sư, lập trình viên, thợ sửa chữa, kỹ sư cầu đường...

Dĩ nhiên, một tinh thần không tốt thì sẽ khiến họ mệt mỏi, chán ăn, sụt ký, do đó sẽ kéo theo một số bệnh lý tim mạch, tiêu hóa, hô hấp.

Bị stress mà tử vong là chuyện hiếm. Nhưng nếu nguy cơ này xảy ra cũng là hệ quả của một chuỗi không thể vượt qua được.

Một khi bệnh nhân không vượt qua được, cơ thể họ không thể thích nghi với những biểu hiện của stress dẫn đến nguy cơ tăng chuyển hóa mỡ, đạm, đường, cụ thể glocozen ở gan hoạt động hết mức chuyển hóa thành đường, lipid trong cơ thể cũng bị đốt cháy mạnh, hoạt động của tuyến yên sản xuất đề kháng giảm dần, tuyến ức và tuyến bạch huyết sẽ teo lại dẫn đến hệ miễn dịch suy giảm theo, loét dạ dày và ruột, phì đại tuyến thượng thận.

Stress kéo dài, toàn bộ cơ thể sau một thời gian gồng lên chống chọi, nguồn năng lượng dự trữ sẽ bị cạn, kiệt quệ dần, mất khả năng bù trừ. Lợi dụng giai đoạn này, các bệnh cơ hội như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não được dịp kéo đến, bùng nổ. Bệnh nhân sẽ đổ gục như một cành khô.

Để khỏi muộn phiền, hãy sống bao dung

Stress không hoàn toàn xấu. Nếu chúng ta vượt qua được thì stress chính là động lực giúp chúng ta phát triển, thăng hoa trong cuộc sống.

Tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của mỗi cá nhân, và quan trọng phải trang bị kiến thức về stress để có thể tự mình vượt qua. Tính ích kỷ, luôn nhìn nhận sự vật với khía cạnh bi quan, không biết sắp đặt cuộc sống cũng là những yếu tố dễ tạo stress. Thay vào đó, tại sao không tập sống bao dung, nhìn nhận sự vật từ khía cạnh tích cực và làm những gì bản thân ham thích? Thỏa mãn những ước muốn cá nhân cũng là chiếc chìa khóa giải tỏa mọi lo lắng, khát khao trong tâm. Bên cạnh đó, tập sắp xếp mọi thứ trong cuộc sống một cách khoa học, vạch ra kế hoạch rõ ràng để đạt mục đích mình mong muốn. Tuy nhiên, cũng nên biết chấp nhận những điều không thể đạt tới được.

Chẳng ai có thể giúp chúng ta vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần ngoài bản thân chúng ta.
Đừng khu trú bản thân một cách tiêu cực, hãy chia sẻ nỗi niềm của mình với những người thân yêu; chơi một môn thể thao, đọc một cuốn sách hay, nghe một bản nhạc trữ tình, xem một bộ phim hài, tập thở, tập dưỡng sinh, tập thiền.

Giã từ những ngột ngạt thị thành, nhiều cư dân hiện đại lại có xu hướng sống theo kiểu của làng. Họ làm việc tại nội thành và gửi cuộc sống cá nhân tại vùng ngoại ô tĩnh lặng. Hoặc không đủ điều kiện di chuyển hàng chục cây số đi về, có người thích tạo dựng không gian bình yên của làng chính tại ngôi nhà của họ. Họ chơi cây cảnh, làm vườn, nuôi chim, lập hội câu cá...đó chính là những phương cách giúp đẩy lùi những áp lực, lo âu.

Theo Trịnh Tất Thắng (Người đô thị)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm