Tăng giá dịch vụ y tế: Người bệnh được lợi?

“Khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT), người bệnh, đặc biệt là người bệnh có thẻ BHYT được lợi trước nhất vì được thụ hưởng DVYT chất lượng tốt hơn. Đồng thời, do được BHYT thanh toán với mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh” - ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết như trên tại hội nghị cung cấp thông tin về điều chỉnh giá DVYT gắn với lộ trình BHYT toàn dân và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ngày 7-4.

Lộ trình tăng đến năm 2020

Theo ông Liên, việc tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương vào giá DVYT là một đòi hỏi thực tế, khách quan. “Không phải là tăng chi phí để thực hiện các DVYT mà là chuyển các khoản chi phí trước đây Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT” - ông Liên nói.

Giải thích rõ hơn, ông Liên lấy ví dụ khi đi khám, chữa bệnh, người bệnh phải trả 30.000 đồng, nếu điều chỉnh giá DVYT sẽ tăng lên 37.000 đồng. Phần tăng thêm không phải là giá DVYT tăng lên mà vẫn giữ nguyên, phần 7.000 đồng trước kia do Nhà nước bao cấp dùm bệnh viện (BV) nay chuyển cho đối tượng thụ hưởng là người có thẻ BHYT. Khi khám, chữa bệnh, cơ quan BHYT sẽ thay người dân thanh toán cho BV, người bệnh không phải trả thêm khoản tiền này.

Ông Liên cho biết giá DVYT tính đúng, tính đủ thì phải bao gồm bảy yếu tố chi phí. Hiện nay mới tính 3/7 yếu tố. Lộ trình đến năm 2016 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; năm 2018 sẽ tính thêm chi phí quản lý; năm 2020 sẽ tính thêm chi phí khấu hao tài sản cố định.

Bộ Y tế cho rằng khi tăng giá DVYT, chất lượng khám, chữa bệnh sẽ tăng lên. Ảnh: TRẦN NGỌC

Theo ông Liên, khi giá DVYT được tính đủ, BV sẽ không được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động nữa. Nguồn kinh phí hoạt động của BV lúc đó sẽ do quỹ BHYT (đối với người có thẻ BHYT) hoặc do người bệnh chi trả (nếu không có thẻ BHYT).

“Sau hai năm điều chỉnh giá DVYT, mặc dù hầu hết các địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60%-80% của ba yếu tố nhưng đã mang lại những hiệu quả nhất định, quyền lợi của người bệnh đã được nâng lên. Các BV có thêm kinh phí mua thêm giường, sửa chữa phòng khám khang trang hơn… đáp ứng nhu cầu của người bệnh” - ông Liên nói.

Người nghèo không bị ảnh hưởng

Cũng theo ông Liên, khi điều chỉnh giá DVYT về cơ bản không làm ảnh hưởng đến khoảng 23,7 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, trẻ em dưới sáu tuổi vì các đối tượng này khi đi khám, chữa bệnh được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Đối với người cận nghèo, mức độ tác động cũng không nhiều vì đối tượng này đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT. Khi đi khám, chữa bệnh, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5%.

Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám, chữa bệnh thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều. Vì nếu chưa tính đủ giá thì người bệnh phải trả thêm một số khoản chi phí, nay được tính đủ thì không phải trả thêm các chi phí này. Mặt khác, từ năm 2015, người tham gia BHYT từ năm năm liên tục trở lên đi khám, chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa sáu tháng lương cơ sở.

“Để hạn chế tác động với người bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hỗ trợ tối thiểu 30% mệnh giá để người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT” - ông Liên cho biết thêm.

Cũng theo ông Liên, các đối tượng không có thẻ BHYT sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, với chính sách này quan điểm của Nhà nước là để khuyến khích người dân tham gia BHYT.

Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao?

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khẳng định việc điều chỉnh giá viện phí chắc chắn sẽ có tác dụng thúc đẩy nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. “Nếu ngành y tế cung cấp dịch vụ có chất lượng mà không được chi trả xứng đáng với công sức, trí tuệ thì chắc chắn chất lượng khám, chữa bệnh sẽ không thể nâng lên. Do vậy, điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” - ông Khuê khẳng định.

Theo Bộ Y tế, song song với điều chỉnh giá DVYT theo lộ trình, Bộ Y tế cũng đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị, các BV cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, thực hiện tốt quy tắc ứng xử để giảm phiền hà cho người bệnh, tăng cường giáo dục y đức… nhằm từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Năm 2016, bắt buộc mua BHYT theo hộ gia đình

Ngày 7-4, ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết sau khi quy định mua thẻ BHYT theo hộ gia đình có hiệu lực từ 1-1-2015, đã có nhiều phản ánh về việc mua thẻ BHYT theo hộ gia đình rất phức tạp, thủ tục nhiều hơn khiến người dân bức xúc. Vì vậy Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thống nhất đối với hộ gia đình đã có người tham gia BHYT tự đóng 100% mức đóng hoặc được địa phương hỗ trợ một phần mức đóng (người trên 80 tuổi, đảng viên 40 năm tuổi Đảng…), sau 1-1-2015 tiếp tục tham gia BHYT thì vẫn cho tham gia theo hình thức cá nhân để đảm bảo quyền lợi. Từ 1-1-2016 trở đi, toàn bộ người có tên trong hộ khẩu hoặc sổ tạm trú phải thực hiện BHYT hộ gia đình.

Theo Bộ Y tế, giá DVYT tính đúng, tính đủ phải bao gồm bảy yếu tố chi phí: 1. Thuốc, vật tư trực tiếp; 2. Điện, nước, xử lý chất thải; 3. Chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; 4. Tiền lương, phụ cấp; 5. Sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; 6. Khấu hao nhà cửa; 7. Đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm