Tạo ngón tay bằng… ngón chân của bệnh nhân

Bệnh nhân là chị Đ.T. N (SN 1977,  Đồng Nai). Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, chị N cho biết: “Tôi bán thịt ngoài chợ. Cách đây tầm 2 tháng, đang xay thịt cho khách, tôi nhờ người thân ngắt công tắc máy xay để lấy thịt ra. Nhưng người này nghe không rõ lại bật nút xay mạnh hơn. 4 ngón tay của tôi bị xay nát”.

Ngày 5-4-2015, chị N. nhập viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM trong tình trạng bàn tay phải chỉ còn được một ngón cái lành lặn. Các ngón tay còn lại chỉ còn lại mỏm cụt. Bàn tay hoàn toàn không thể cầm nắm. 

Tạo ngón tay bằng… ngón chân của bệnh nhân ảnh 1
 Ngón tay giữa của chị N mới được ghép bằng chính ngón chân của chị.

Qua chẩn đoán, các bác sĩ cho biết có thể lấy một ngón kế ngón chân cái của chị N để ghép lên làm ngón tay giữa cho bệnh nhân. Với cách này, chị N có thể phục hồi một phần chức năng cầm nắm. 

TS.BS Mai Trọng Tường - Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, cho biết ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng đồng hồ (từ 9h sáng đến 14h chiều) ngày 6.4. Điều khó nhất trong kỹ thuật nằm ở việc kết nối mạch máu của ngón chân lên ngón tay bệnh nhân. Vì mạch máu ngón chân rất nhỏ. Các bác sĩ phải tiến hành bóc tách mạch máu dưới kính hiển vi. Việc nối mạch máu, tạo tuần hoàn cho ngón tay khá phức tạp. 

Hiện nay, chị N cho biết, ngón tay phục hồi của chị đã có thể mấp máy. Các bác sĩ cho biết, 1 tuần sau, chị N có thể tập cử động ngón tay bằng vật lý trị liệu. Sau khoảng 1 tháng, hệ thần kinh của ngón tay có thể phục hồi. 

Bác sĩ Tường cho biết thêm, từ năm 2008 đến nay, khoa đã thực hiện ghép ngón tay bằng ngón chân cho khoảng 10 bệnh nhân. Kỹ thuật này giúp bệnh nhân có thể phục hồi một phần chức năng của bàn tay. Nhiều người có thể cầm nắm, thậm chí là thực hiện các hoạt động viết lách, khâu vá… 

Tuy nhiên, kỹ thuật ghép ngón này mới chỉ thực hiện cho ngón tay, ngón chân của chính bệnh nhân đó. Chưa ghép ngón tay, ngón chân của người này cho người khác vì tính chất thải ghép ở các ngón khá mạnh.

Mới đây, cũng tại Khoa Vi phẫu tạo hình, các bác sĩ vừa tiến hành lấy cung tĩnh mạch mu bàn chân ghép tái tạo lại cung gan bàn tay cho một bệnh nhân nam 15 tuổi bị tai nạn lao động dập nát một nửa bàn tay trái. Kỹ thuật này giúp đưa máu lên 4 ngón tay của bệnh nhân, cứu được chức năng hoạt động của bàn tay.

Bệnh nhân là T.N.T (quận Bình Tân, TPHCM) nhập viện trong tình trạng nửa bàn tay trái dập nát. Qua tiên lượng ban đầu, bệnh nhân có thể phải tháo khớp cả bàn tay do lòng bàn tay bị tổn thương phức tạp, xương gãy và mô mềm dập nát. Cung mạch máu gan tay nông và sâu bị hủy hoàn toàn, các ngón tím và trương lực xẹp.

Sau khi xem xét, bác sĩ Phan Dzư Lê Thắng và bác sĩ Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, có thể dùng cung tĩnh mạch mu bàn chân để nối lên bàn tay cho bệnh nhân. Bác sĩ Thạch cho biết, điểm khó trong ca phẫu thuật này là việc tìm cung tĩnh mạch ở mu chân cho tương hợp đường kính mạch nơi nhận, và có các nhánh chia cho từng động mạch riêng ngón khi nối ghép rất khó khăn và tỉ mỉ. Khi tìm được cung tĩnh mạch làm nguyên liệu ghép, các bác sĩ lại phải xử lý sự cản trở của van tĩnh mạch vốn theo chiều đầu tận của chi về phía trung tâm. Chỉ tới khi xác định chắc chắn đã xử lý được van này và không cản trở lưu thông máu từ trung tâm ra đầu tận của chi thì mới sử dụng nhánh đó để ghép vào động mạch riêng ngón được.

Bác sĩ Thạch giải thích thêm, tĩnh mạch chân là một mạng lưới dày đặc. Do đó, việc lấy một cung tĩnh mạch bàn chân để nối lên tay không ảnh hưởng đến hoạt động của bàn chân bệnh nhân.

Cách đây 2 ngày, các bác sĩ vừa tiến hành ghép da, hoàn thiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân. Hiện nay, bệnh nhân T đang chuẩn bị cho bước tập vật lý trị liệu, phục hồi hoạt động bàn tay.

Theo Khương Quỳnh/LĐO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm