TP.HCM: Bệnh lây nhiễm tăng nhanh

Tại buổi họp giữa Sở Y tế TP.HCM và các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện được tổ chức vào sáng 2-4, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nhận định hầu hết 24 quận, huyện đều “dính” một trong các bệnh lây nhiễm như sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, thủy đậu và sởi. Để ngăn chặn dịch bệnh rất cần sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và ý thức người dân.

Bệnh nào cũng tăng

Tính riêng bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm 2014 đến ngày 23-3, TP có hơn 2.180 ca mắc bệnh, con số cùng kỳ năm 2013 là gần 1.730 ca. “Bệnh đang trong giai đoạn giảm theo mùa. Tuy nhiên, đầu tháng 3 sốt xuất huyết lại tăng đột biến ở mức cảnh báo, đặc biệt tại các quận 1, 6, Thủ Đức và huyện Bình Chánh” - BS Dũng lưu ý.

Đối với bệnh tay-chân-miệng, TP.HCM ghi nhận gần 1.880 ca mắc tính từ đầu năm đến ngày 23-3, cũng cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 (hơn 1.450 ca mắc). Bệnh có chiều hướng tăng từ đầu tháng 3 ở hầu hết các quận, huyện và dự kiến tiếp tục tăng trong tháng 4 năm nay. So với tháng 2 các quận, huyện có con số tăng đáng lo ngại là quận 8, 9, 10, 11, 12, Tân Phú, Bình Tân, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh.

 
Miệng ống bê tông đọng nước là nguyên nhân gây sốt xuất huyết ở phường Phú Thọ Hòa (Tân Phú). Sau khi san lấp và tráng kín miệng ống, sốt xuất huyết giảm hẳn. Ảnh: TRẦN NGỌC

Hai bệnh truyền nhiễm khác là bệnh sởi và thủy đậu, tính đến ngày 23-3 đã lần lượt có trên 600 và gần 370 ca mắc bệnh. Trong khi con số cùng kỳ năm 2013 là 1 và 115 ca. Như vậy, số ca mắc bệnh sởi trong ba tháng đầu năm 2014 đã tương đương số của cả năm 2013 và tăng nhanh ở nhiều quận, huyện tính riêng trong tháng 3. “So với các năm trước, bệnh thủy đậu tăng rất nhiều. Việc kiểm soát bệnh có nhiều trở ngại do không có vaccine phòng bệnh từ cuối năm 2013” - BS Dũng nói thêm.

Địa phương phải chủ động chống dịch

Khu phố 7 của phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú là một trong những điểm nóng về sốt xuất huyết trong nhiều năm qua. Tin vui là phường đã tìm ra được nguyên nhân và xử lý tốt để khống chế dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Nam Phương, Phó Chủ tịch UBND phường, cho biết: “Có một chủ đầu tư định xây dựng trường học trên địa bàn khu phố 7 nên đã tiến hành đóng hơn 400 ống bê tông rộng 30 cm, sâu khoảng 15 m để gia cố nền. Tuy nhiên, do vướng thủ tục nên công trình đã ngưng thi công từ năm 2010 đến nay. Toàn bộ các ống bê tông đó bị đọng nước quanh năm, tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng phát triển và gây bùng phát sốt xuất huyết”. Giữa tháng 3-2014, UBND phường Phú Thọ Hòa đã tập trung mọi nguồn lực, tổ chức san lấp hoặc tráng kín toàn bộ miệng ống, chặn đứng môi trường sinh sống của lăng quăng. “Từ đầu năm 2014 đến giữa tháng 3 đã xảy ra 12 ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn phường. Tuy nhiên, sau khi xử lý các ống bê tông đọng nước thì bệnh sốt xuất huyết không thấy xuất hiện nữa” - bà Phương cho biết thêm.

Với dân số khoảng 120.000 người, phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) được xem là một trong những địa phương cấp phường đông dân nhất nên rất dễ xảy ra dịch bệnh nếu chính quyền và người dân lơ là. “UBND phường đã vận động toàn bộ tổ chức chính trị tham gia và giám sát hoạt động phòng, chống bệnh tại các điểm dễ xảy ra dịch như nhà trọ, nhà trẻ, trường học... Các điểm nói trên luôn được vệ sinh sạch sẽ và có kế hoạch khử trùng. Các trường hợp nghi vấn nhiễm bệnh đều được tổ dân phố, ban điều hành khu phố, nhà trường nắm bắt và nhanh chóng báo cáo để y tế địa phương kịp thời xử lý” - ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, chia sẻ.

TRẦN NGỌC

 

Truyền thông tốt để phụ huynh đưa trẻ đi tiêm ngừa

Thực hiện chương trình tiêm vét vaccine sởi, đến nay có trên 32.000 trẻ ở TP.HCM tiêm mũi một và mũi hai, đạt tỉ lệ khoảng 35%. Trung tâm y tế dự phòng quận, huyện cần sử dụng nhiều hình thức truyền thông để phụ huynh đưa trẻ tiêm ngừa vaccine sởi. Bên cạnh đó, hướng dẫn phụ huynh biết cách phòng bệnh tay-chân-miệng, các bệnh lây qua đường tiếp xúc như thủy đậu, cúm A...

Ngày 18-4, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM sẽ tổ chức tập huấn cho các quận, huyện việc điều tra các ca bệnh lây qua tiếp xúc, ổ dịch trong cộng đồng để kịp thời phát hiện và xử lý. Đối với sốt xuất huyết, quận, huyện cần tập trung tìm hiểu, xử lý ổ dịch ở phường, xã nào ba, bốn tuần liên tiếp có ca bệnh.

BS NGUYỄN TRÍ DŨNG, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm