TP.HCM không gặp vướng thuốc gây tê Bupivacaine

Trả lời Pháp Luật TP.HCMvề những lo ngại liên quan đến thuốc gây tê Bupivacaine WPW của hãng dược Ba Lan Polfa, ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM, cho biết thuốc gây tê có hoạt chất Bupivacaine có nhiều nguồn sản xuất.

Về quy trình báo cáo sự cố y khoa nghi ngờ liên quan đến thuốc, ông Đỗ Văn Dũng cho biết khi gặp sự cố nghiêm trọng nghi ngờ liên quan đến thuốc như chết người, sốc sau khi dùng thuốc, cơ sở y tế phải ngưng sử dụng ngay lô thuốc và báo cáo cơ quan quản lý. Nếu bệnh viện (BV) trực thuộc Sở Y tế thì lãnh đạo BV báo cáo lên Sở Y tế.

Khi nhận được báo cáo, Sở Y tế sẽ có chỉ đạo trên toàn hệ thống những BV có sử dụng lô thuốc tương tự tạm ngưng sử dụng để chờ kết quả kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng thuốc, đồng thời báo cáo về Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).

Quy trình báo cáo này gần như là làm tức thời, trong vòng 24 giờ. Trong thời gian chưa có kết luận của cơ quan chức năng và cơ quan kiểm nghiệm thuốc thì không tái sử dụng lô thuốc này.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, động viên sản phụ H. yên tâm điều trị. Ảnh: TA

Các lô khác nếu có vẫn sử dụng nhưng cảnh giác và xem xét lại vì nguy cơ ở các lô khác cũng có khả năng xảy ra. Riêng lô thuốc cụ thể nghi ngờ gây ra sự cố thì chắc chắn phải ngưng sử dụng liền.

Khi có kết quả kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng thuốc, nếu không có gì liên quan đến chất lượng thuốc thì phải xem xét các yếu tố khác. Còn nếu có kết quả liên quan chất lượng thuốc phải lập tức niêm phong, ngưng sử dụng và thông báo trên toàn hệ thống.

Hiện tại, các BV công lập ở TP.HCM đang sử dụng thuốc gây tê tủy sống Bupivacain do Pháp sản xuất nên không ảnh hưởng. 

Ngoài ra, nhân viên y tế có trách nhiệm báo cáo phản ứng có hại của thuốc lên Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI & ADR) có địa chỉ tại TP.HCM và Hà Nội.

Từ các báo cáo, trung tâm sẽ tiến hành tổ chức thẩm định các báo cáo, đưa ra khuyến cáo cảnh giác dược trên toàn quốc, thậm chí báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện cảnh giác dược toàn thế giới.

Hiện nay thuốc gây tê hoạt chất Bupivacain có nhiều nhà sản xuất và còn nhiều hoạt chất gây tê khác không thiếu nên hoàn toàn có thể thay thế, không ảnh hưởng quá trình điều trị. Các cơ sở y tế dựa vào thẩm định chuyên môn của cơ sở để quyết định thay đổi loại thuốc.

Trong trường hợp sự cố liên quan đến thuốc xảy ra ở TP.HCM thì các bác sĩ sẽ dùng hoạt chất tương tự và thuốc của hãng khác để đưa vào điều trị. Nếu ở thời điểm xảy ra sự cố không có thuốc thì TP.HCM có cơ chế mở cho các BV trình duyệt mua khẩn cấp thuốc để xử lý tình huống đặc biệt, đảm bảo trong vài ngày sẽ có thuốc thay thế.

Liên quan đến vụ hai sản phụ tử vong, một sản phụ nguy kịch sau khi mổ bắt con tại BV Phụ nữ TP Đà Nẵng nghi do sử dụng thuốc gây tê Bupivacaine của Ba Lan sản xuất, ngày 26-11, đại diện BV Đà Nẵng cho biết hiện sức khỏe của chị NTH (33 tuổi, trú quận Liên Chiểu) - sản phụ nguy kịch trước đó và cháu bé đang tiến triển tốt.

“Chị H. đang được các bác sĩ theo dõi sát sao ở Khoa hồi sức tích cực. Có khả năng cuối tuần này bệnh nhân sẽ xuất viện” - BV Đà Nẵng cho hay.

Ông Huỳnh Phước Nhất, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết sở hiện chưa nhận báo cáo của đơn vị nào về việc gặp khó khăn trong quá trình tìm thuốc thay thế Bupivacaine do Ba Lan sản xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm