Trạm cấp cứu cộng đồng giúp cấp cứu F0 tại nhà trở nặng

Suốt nhiều ngày qua, TP.HCM có nhiều ca F0 tại gia đình trở nặng và không qua khỏi. Cùng với đó, Sở Y tế TP.HCM cũng đã ban hành “Hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc COVID-19 tại nhà”.

Cần kíp tủ thuốc gia đình cơ bản và bình tĩnh của người thân

Theo đó, thứ nhất, những người mắc COVID-19 không có triệu chứng lâm sàng đang chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ bảy được tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày. Thứ hai, người mắc COVID-19 mới được phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không có yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ổn định, không béo phì) thì được cách ly tại nhà trong 14 ngày. Đây là cách giảm tải cho toàn bộ hệ thống y tế lẫn tạo sự thoải mái cho người mắc COVID-19.

Tuy nhiên, thời gian qua, khi hệ thống y tế quá tải, rất nhiều trường hợp F0 tại nhà chuyển biến nặng nhanh và người nhà bối rối.

Bên cạnh đó, thường ngày nhiều gia đình không chú trọng đến tủ thuốc gia đình, cho đến khi đại dịch lại tìm mua. Chúng tôi xin giới thiệu một số thuốc gia đình cơ bản qua tham vấn của TS-BS Nguyễn Như Vinh (ĐH Y Dược TP.HCM). Đó là mỗi gia đình bên cạnh bông băng, dung dịch sát trùng thì cần có nhiệt kế, nước rửa tay, khẩu trang, nước muối súc họng - mũi; thuốc hạ sốt, giảm đau, ho, long đờm, chống dị ứng và vitamin.

Với những gia đình thành viên có tiền sử bệnh thì cần thuốc theo bệnh nền cũng như các thiết bị theo dõi như máy đo huyết áp nếu bị tăng huyết áp, máy thử đường huyết nếu bị tiểu đường.

Giữa đại dịch này, gia đình nào có điều kiện nên có thêm thiết bị đo SpO2, máy đo huyết áp. Hoặc có thể một tổ, một tầng căn hộ… góp mua sử dụng chung để việc theo dõi diễn tiến bệnh của các F0, F1 tại nhà được tốt hơn.

Thêm 389 bệnh nhân COVID-19 tử vong tại bốn tỉnh phía Nam

Ngày 2-8, Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo bổ sung 389 (1307-1695) ca tử vong tại bốn tỉnh, TP: TP.HCM từ ngày 17-7 đến 2-8: 354 ca; Bình Dương từ ngày 17 đến 24-7: 25 ca; Đồng Nai từ ngày 29-7 đến 2-8: 6 ca; Long An từ ngày 31-7 đến 2-8: 4 ca.

Việt Nam hiện có 436 bệnh nhân COVID-19 nặng đang được điều trị hồi sức tích cực và 14 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.

HÀ PHƯỢNG

Theo dõi chỉ số SpO2, chuyển đến Trạm cấp cứu cộng đồng

Khi F0 trở nặng, cần kíp theo dõi chỉ số SpO2, khi chỉ số này dưới mức 90%-95% thì phải liên lạc ngay đường dây hỗ trợ.

Người dân hầu hết phản ứng khi ca F0 trở nặng là gọi người thân hỏi bây giờ gọi đâu và lúc đó mới bắt đầu tìm kiếm số điện thoại của tổ trưởng, công an khu vực, trạm y tế phường/xã, trung tâm y tế quận, bệnh viện quận…, cao hơn là gọi 115. Tức phản ứng của nhiều người là bối rối khi có chuyện.

Cùng với đó, hệ thống y tế tại địa phương như trạm y tế phường, xã; tổ COVID-19 cộng đồng; hội chữ thập đỏ… đều tập trung vào việc chống dịch chung mà thiếu đi sự gắn kết cùng người dân. Vì thế, người dân không dễ để kết nối với hệ thống y tế tại địa phương.

Nếu F0 biết cách theo dõi tại nhà sẽ giảm tải cho hệ thống y tế các tuyến trên. Trong ảnh: Bệnh nhân COVID-19 thở máy tại BV hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

Khi F0 điều trị tại nhà ngày càng nhiều, chính hệ thống y tế địa phương phải thay đổi. Ví dụ gần nhất, khoảng hơn một tuần qua, một khu chung cư tại phường 2, quận 10 (TP.HCM) có số lượng ca F0 trở nặng tại nhà lên cao điểm.

Trường ĐH Y Dược TP.HCM gần đó đã phối hợp cùng BV quận 10 thực hiện ngay mô hình Trạm cấp cứu cộng đồng đặt tại Nhà văn hóa quận 10. Ngay lập tức, có hai nhóm được đặt tại Trạm cấp cứu cộng đồng hỗ trợ theo dõi hàng chục ca F0 ở chung cư này.

Nhóm 1 có khoảng 4-5 sinh viên của ĐH Y Dược TP.HCM cùng một thầy/cô (là bác sĩ gia đình của ĐH Y Dược TP.HCM) chịu trách nhiệm theo dõi F0 tại nhà, phân tầng bệnh nhân bằng bảng danh sách các triệu chứng. Bảng danh sách này được nghiên cứu, chắt lọc dựa trên tiêu chuẩn triệu chứng COVID-19 chung của Bộ Y tế và các hiệp hội y tế quốc tế. Tất cả quy trình này cũng đang được ĐH Y Dược TP.HCM tiến hành biến thành app để theo dõi F0 tại nhà. Bác sĩ chỉ cần xem danh sách các triệu chứng mỗi ngày và thăm khám từ xa. Cùng với thăm khám triệu chứng thì cần nhất chính là hiểu tâm lý, làm người bệnh, người nhà an tâm để hợp tác điều trị.

Việc thăm khám của nhóm 1 sẽ giúp sàng lọc, phân tầng người nhiễm COVID-19 khi chuyển nặng. Và khi bệnh nhân chuyển nặng, nhóm 1 sẽ chuyển người bệnh bằng xe cứu thương sang ngay Trạm cấp cứu cộng đồng, ở đây chính là hoạt động của nhóm 2.

Nhóm 2 sẽ là những bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng, sinh viên năm cuối... biết những kiến thức cấp cứu để bắt được giờ vàng (dưới 6 tiếng) của người suy hô hấp. Trạm cấp cứu cộng đồng sẽ có bình ôxy, thuốc kháng viêm, chống đông máu… để chữa những triệu chứng cấp thời của COVID-19. Sau khi sơ cứu, người bệnh có thể trở về nhà tiếp tục theo dõi hoặc nặng hơn, địa phương sẽ theo phân luồng mô hình tháp năm tầng điều trị COVID-19 để chuyển đến tầng điều trị phù hợp.

Trạm cấp cứu cộng đồng có hệ thống camera theo dõi cho kíp trực 24/7 tại trạm. 

Trạm cấp cứu cộng đồng ở quận 10 ban đầu vốn chỉ dành cho một chung cư cấp thiết nhưng sau hơn một tuần thì trạm đã trở thành mô hình mẫu để nhân ra quận 10 lẫn các quận tham khảo. Hiện Trạm cấp cứu cộng đồng đặt ở Nhà văn hóa quận 10 có 20 giường cấp cứu, có thể đủ không gian tăng thành 50 giường và liên thông với các tuyến y tế khác.

Trạm hoạt động 24/7 với hình thức ba ca trực bốn ê kíp y bác sĩ, nhân viên y tế. Mô hình này có thể trở thành mẫu để thúc đẩy thêm vai trò y tế tại địa phương, giảm tải cho cấp cứu 115 lẫn hệ thống tháp năm tầng trong điều trị COVID-19.

Các việc cần làm khi theo dõi F0 tại nhà

Đo thân nhiệt hai lần/ngày; đo SpO2 (nếu có thiết bị hoặc app); ăn đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, bổ sung vitamin; tập thể dục nhẹ nhàng; khai báo y tế hằng ngày qua ứng dụng khai báo y tế điện tử; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ bảy.

Điều trị theo triệu chứng:

- Khi đau họng: Súc họng - mũi bằng nước muối, uống nhiều nước ấm (1,5-2 lít/ngày), sử dụng thuốc giảm đau Pacaretamol.

- Khi tiêu chảy: Uống nhiều nước, thuốc giảm tiêu chảy, dùng dung dịch bổ sung điện giải: Oresol, Hydrite… (theo Sổ tay sức khỏe COVID-19, ĐH Y Dược TP.HCM). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm