Trắng đêm xét nghiệm tìm COVID-19

Những ngày qua, số lượng người khai báo y tế về từ Đà Nẵng đến TP.HCM từ ngày 1-7 ngày càng nhiều. Thống kê đến thời điểm hiện tại, có hơn 52.000 người trở về từ vùng dịch khai báo y tế, đồng nghĩa với lượng mẫu xét nghiệm khổng lồ cần phải lấy và trả kết quả. 

Nhanh nhưng phải chính xác

Phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM luôn sáng đèn cả ngày lẫn đêm. Các kỹ thuật viên đang miệt mài làm việc để trả kết quả nhanh nhất cho người dân.

“Các công đoạn thực hiện khá phức tạp và mất thời gian nhưng số lượng mẫu lại khá nhiều, các ngành chức năng đang đợi kết quả để có hướng xử lý, đồng thời có nhiều đơn vị cần kết quả khẩn nên chúng tôi phải cố gắng làm cho mau hết” - kỹ thuật viên Võ Trọng Vương chia sẻ áp lực khi bản thân mỗi ngày phải thao tác trên hơn 1.000 mẫu bệnh phẩm. 

Thao tác trên tác nhân virus SARS-CoV-2 nguy hiểm, mỗi nhân viên đều tập trung cao độ để đảm bảo thao tác không lây nhiễm dịch bệnh cho chính bản thân, đồng nghiệp và cho ra kết quả một cách chuẩn xác nhất. 

Dù mặc đồ bảo hộ bít bùng gây bất tiện và ngồi cố định thời gian dài liên tục nhưng các kỹ thuật viên đều phải cố gắng khắc phục. “Trong xét nghiệm, sợ nhất là bỏ lộn mẫu, thiếu mẫu, nhầm kết quả của bệnh nhân này với bệnh nhân kia, dương tính thành âm tính hoặc ngược lại. Chẳng may ca dương tính không phát hiện ra, họ sẽ phát tán virus ra cộng đồng thì hậu quả sẽ rất trầm trọng. Khi ngồi tách chiết virus để đưa đi xét nghiệm, trong đầu của tôi lúc nào cũng thường trực suy nghĩ đó là mẫu bệnh phẩm dương tính nên phải hết sức cảnh giác” - kỹ thuật viên Võ Trọng Vương chia sẻ.

Thay phiên chịu trách nhiệm khâu tách chiết virus đưa đi xét nghiệm, kỹ thuật viên Ngô Tấn Tài cho biết không chỉ xét nghiệm số mẫu bệnh phẩm khổng lồ, giúp giải tỏa áp lực cho TP mà còn gặp áp lực nếu để kéo dài thời gian, mẫu bệnh phẩm sẽ bị ảnh hưởng chất lượng. 

Ngoài làm xét nghiệm, các kỹ thuật viên còn phải tỉ mỉ ở khâu nhập liệu để đảm bảo kết quả xét nghiệm và trả kết quả chính xác. “BV nhận hầu hết mẫu của các đơn vị ở TP gửi. Trong 1.000 mẫu thì đôi khi có 1, 2 mẫu gặp trục trặc chẳng hạn có đơn vị gửi sai tên tuổi, mẫu bệnh phẩm lấy không đúng cách nên chúng tôi phải phản hồi để khắc phục” - Tài kể. 

Kỹ thuật viên Võ Trọng Vương đang tách chiết mẫu bệnh phẩm để sau đó đưa vào hệ thống RT-PCR đọc kết quả. Ảnh: HL

Chuẩn bị tinh thần khi có ca dương tính

Theo kỹ thuật viên Võ Trọng Vương, trong thời gian dài Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 nhưng phòng xét nghiệm COVID-19 tại BV Bệnh nhiệt đới chưa bao giờ ngơi nghỉ. Mỗi ngày trung bình cơ sở cũng nhận xét nghiệm sàng lọc hàng chục mẫu các ca có triệu chứng nghi ngờ. 

Mặc dù bận rộn với công việc ở phòng xét nghiệm nhưng như một thói quen trước khi đi ngủ, anh thường đọc báo xem tình hình dịch. “Nếu hôm nay có ca dương tính thì dự báo chắc chắn ngày sau, lượng mẫu xét nghiệm sẽ tăng gấp hai, gấp ba” - Vương nhớ lại. 

Vương chia sẻ bản thân là người làm khoa học, phát hiện một ca dương tính rất có ý nghĩa đối với công tác nghiên cứu khoa học nhưng không tránh khỏi cảm giác buồn cho người bệnh và lo lắng liệu số ca có tiếp tục tăng, kéo theo nhiều hệ lụy.

“Mỗi khi có ca dương tính, chúng tôi phải kiểm tra rất kỹ, báo cáo qua các cấp lãnh đạo khoa, bảo mật thông tin cho đến khi Bộ Y tế công bố kết quả” - Vương kể quy trình xét nghiệm COVID-19.

1.000-1.500 mẫu xét nghiệm mỗi ngày

Phòng thí nghiệm sinh học phân tử của BV chịu trách nhiệm xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 từ các BV trong TP. Bên cạnh đó, hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM xét nghiệm các ca tiếp xúc với ca bệnh, người dân từ Đà Nẵng, từ các trung tâm y tế và BV quận, huyện với tần suất 1.000-1.500 mẫu mỗi ngày.

Các mẫu bệnh phẩm sau khi đưa về sẽ được tách chiết bằng hóa chất, sau đó đưa vào hệ thống xét nghiệm RT-PCR để đọc kết quả. Trung bình mất khoảng 4 tiếng một mẫu bệnh phẩm sẽ có kết quả. Nếu mẫu bệnh phẩm dương tính thì cần thêm 1 tiếng đưa vào máy đọc khẳng định.

Với số lượng mẫu cần xét nghiệm lớn như hiện nay, tất cả bộ phận tiếp nhận, xét nghiệm đều phải làm bất kể giờ giấc. Ban đêm, chúng tôi bố trí người để thực hiện các mẫu cần xét nghiệm khẩn. Dù bận rộn và nặng nề hơn nhưng chúng tôi đều cố gắng, ý thức đây là công việc nhưng cũng là trách nhiệm của mỗi người dân, mong muốn góp phần cùng TP nhanh chóng đầy lùi dịch bệnh”.

ThS NGHIÊM MỸ NGỌC, Phó Khoa xét nghiệm BV Bệnh nhiệt đới 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm