Trẻ bị chàm sữa, không nên tự chữa

Tôi nghe người ta bày: lấy sữa mẹ sức cho bé (do bé còn đang bú sữa mẹ hoàn toàn), nhưng không thấy hết. Mong BS tư vấn giúp cách chữa trị cho bé và chăm sóc bé sau để không bị tình trạng như vậy nữa.

tranuyen….@....

Trả lời:

Theo như chị miêu tả có khả năng bé của chị đang mắc chứng bệnh chàm sữa là một dạng chàm thể tạng thường gặp ở trẻ em từ 2 tháng đến 2 tuổi. Đây là tình trạng viêm da mạn tính, không lây, lành tính, không ảnh hưởng đến sức khỏe và sự tăng trưởng bình thường của trẻ. Tình trạng này thường xảy ra ở bệnh nhi có tiền sử bản thân hay gia đình có cơ địa dị ứng (hen phế quản, viêm mũi dị ứng, mề đay mạn tính).

Khi bị chàm sữa, trẻ có biểu hiện khởi đầu là mảng hồng ban, sẩn, mụn nước; rịn nước, đóng mày, tróc vảy. Vị trí thường ở hai má, có thể lan đến cằm, da đầu, trán, nhưng không có ở mắt, mũi. Bệnh nặng có thể lan đến mặt dưới cánh tay, khuỷu, da đầu, thân mình, tứ chi nhưng vùng tã lót và vùng nách không bị ảnh hưởng.

Cách chăm sóc khi trẻ bị chàm sữa:

Trẻ bị chàm cần tắm bằng nước ấm, không quá hai lần mỗi ngày, thời gian tắm không quá 15 phút. Khi tắm bé, nên dùng sữa tắm dịu, nhẹ, có pH trung tính hay acid nhẹ (pH= 4,5-6,5), thích hợp riêng cho da bị chàm như: Cetaphil, Physiogel, Oilatum. Sau  khi tắm, lau khô trẻ sau tắm bằng khăn tắm mềm mịn, không chà mạnh lên da trẻ. Thoa chất giữ ẩm như: Cetaphil, Physiogel, Physiogel AI, Ceradan, …trong vòng 3 phút ngay sau tắm, ngày 2 – 4 lần để giữ ẩm da của trẻ, giúp phục hồi hàng rào bảo vệ da từ đó giảm độ nặng và tần suất tái phát.

Không nên để trẻ tiếp xúc xà bông, bột giặt, thuốc tẩy, nước hoa, phấn rôm.

Quần áo của trẻ nên sử dụng chất liệu 100% cotton để thấm tốt mồ hôi và cho da thông thoáng. Không mặc đồ quá chật, hay vải bằng len, sợi tổng hợp vì dễ gây kích ứng da.

Tránh cào gãi cho trẻ bằng cách cắt gọn móng ta, móng chân để tránh bé ngứa gãi làm tăng nhiễm trùng da.

Nếu trẻ cào gãi nhiều thì nên mang vớ và găng tay cho trẻ.

Nhà ở phải thông thoáng, không có khói thuốc, không dùng nước hoa, không nuôi chó, mèo. Không để nhiệt độ phòng quá nóng, quá lạnh hay độ ẩm quá thấp.

Về chế độ ăn uống cho trẻ: chỉ tránh một số thực phẩm mà trẻ dị ứng hay làm bệnh chàm của bé nặng hơn, còn lại không nên kiêng cử gì, cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Cho trẻ  uống nhiều nước (nếu trẻ không bú mẹ hoàn toàn).

Vệ sinh mặt, miệng sau mỗi lần ăn hay bú sữa.

Trong trường hợp nặng, trẻ có thể cần sử dụng thêm thuốc kháng viêm thoa tại chỗ hay kháng sinh. Việc sử dụng thuốc này cần có chỉ định của bác sĩ.

Theo BS Dư Minh Trí, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm