Trẻ mắc động kinh ngang mức thế giới

So với những năm trước, tỉ lệ trẻ mắc động kinh hiện nay cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hiện các BV nhi đa phần chỉ có thể điều trị bằng thuốc mà chưa thể phẫu thuật đạt hiệu quả. Điều này gây khó khăn rất lớn không chỉ cho bác sĩ mà còn cho người bệnh.

Chiếm 0,5% các loại bệnh

Con tám tuổi cũng là tám năm chị Võ Thị Liên (ngụ quận 6, TP.HCM) vất vả, bỏ toàn bộ công việc chỉ để ở nhà cùng cậu con trai kháu khỉnh chiến đấu với căn bệnh động kinh. Chị Liên cho hay từ khi con trai chị tròn bốn tháng, cháu bắt đầu có những cơn co giật từ độ 3-20 giây sau đó dừng. Đến khi con được một tuổi, những cơn co giật biểu hiện ngày một rõ rệt hơn.

“Đến BV bác sĩ có nói bé mắc chứng động kinh toàn thể, kê thuốc rồi dặn dò cho về. Dù gia đình có điều trị nhưng cũng do chủ quan, hay lơ là nên cháu thường bị quên thuốc. Có lần thấy cả tuần cháu không co giật gì nên nhà tôi cho cháu ngưng thuốc, ai ngờ hôm sau cháu phải trị lại. Nay nó tám tuổi nhưng chỉ chơi một mình, không dám ra ngoài và đi học thì càng không thể” - chị Liên tâm sự.

Khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 1 mỗi ngày tiếp nhận trên dưới 10 trường hợp các bé nhập viện trong tình trạng sốt, sốt cao dẫn đến co giật. Trong 10 trẻ co giật có ba trẻ xuất phát từ động kinh bẩm sinh, phần còn lại là do ảnh hưởng từ sốt cao, từ các bệnh lý liên quan đến não như viêm não siêu vi, viêm não Nhật Bản…

Theo phân tích từ ThS-BS Nguyễn Kiến Minh, Phó khoa Nhiễm thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, hiện nay tỉ lệ động kinh của Việt Nam đã bằng với tỉ lệ động kinh trên thế giới, tức chiếm 0,5% những loại bệnh. Và số lượng trẻ mắc động kinh hiện nay đang tăng lên khá nhiều, một phần nguyên nhân là do tỉ lệ cứu sống các em bé sinh non, sinh ngạt, các bé bị xuất huyết não, viêm não của chúng ta ngày một nhiều hơn trước. Mà những em bé mắc các bệnh và có tật này chính là những bé dễ bị tăng động hơn rất nhiều những em bé thông thường.

Bác sĩ đang khám cho một ca bệnh nhi mắc động kinh tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: HP

Bên cạnh đó, số lượng trẻ mắc động kinh chúng ta chưa thể giải quyết triệt để, một số trẻ do điều trị không đúng cách, dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ dẫn đến kháng thuốc. Trong khi chúng ta không thể can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật giải quyết triệt để vì ở Việt Nam điều kiện phẫu thuật còn rất hạn chế và không toàn diện. “Tôi đã chứng kiến khá nhiều cái kết đáng tiếc của các bé mắc động kinh, những hậu quả đó nếu cha mẹ chú ý hơn thì con trẻ đã có một tương lai hoàn toàn khác” - BS Minh nói.

Khó khăn trong điều trị

Cũng theo BS Minh, số liệu thực tế hiện nay cho thấy khoảng 20% trẻ em bị động kinh sẽ có khuyết tật về trí tuệ, các cơn động kinh diễn ra càng nhiều thì mức độ ảnh hưởng càng cao. Nếu trẻ động kinh lâu sẽ thường gặp phải các rối loạn về tâm thần như rối loạn tăng động, tự kỷ, trầm cảm, lo âu… Đây chính là nguyên nhân gây cản trở học tập và hòa nhập với người thân, bạn bè và những người xung quanh.

Động kinh có hai nhóm: Động kinh có nguyên nhân và không có nguyên nhân hay còn gọi vô căn mà ngày xưa mình hay gọi là do yếu tố gen di truyền. Nếu trẻ mắc động kinh thời gian dài mà không được điều trị phù hợp dễ dẫn đến chậm phát triển, để lại các di chứng ở não như bại não, khiến bé sống đời sống thực vật, hoặc có thể sẽ đột tử dẫn đến tình trạng tử vong.

ThS-BS NGUYỄN KIẾN MINH

“Mặc dù biết mức độ nguy hiểm như vậy nhưng có nhiều người vẫn chưa thật sự hiểu về động kinh của trẻ. Họ vẫn còn sai lầm khi cho con trẻ sử dụng những bài thuốc dân gian, sử dụng cách điều trị truyền thống hay tôi vẫn nghe nói về các loại thực phẩm chức năng điều trị động kinh không có hiệu quả. Một phần khác lại buông tay quá sớm với động kinh, họ cho rằng đây là bệnh di truyền, không thể cứu vãn được. Thế nhưng sự thật trẻ bị động kinh nếu phát hiện sớm, điều trị đúng cách thì có thể giải quyết dứt điểm trong vòng hai năm” - BS Minh nói.

Qua đây BS Minh cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chú ý khi thấy con mình bất ngờ co cứng, co giật toàn thân, trẻ đột ngột ngã xuống đất trong vòng từ 30 giây đến ba phút có thể kèm theo mắt trợn ngược, sùi bọt mép… mà trước đó trẻ không sốt, không đau ốm gì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế và miêu tả chính xác hành động của con cho bác sĩ. Đồng thời kết hợp với xét nghiệm điện não đồ thường hoặc điện não đồ video, làm một số xét nghiệm thăm dò hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI)… để tìm nguyên nhân.

“Khi trẻ có mắc động kinh, cha mẹ nên cho con uống thuốc đều đặn nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Thêm thời gian chăm sóc, trao đổi, nói chuyện với con trẻ để các bé không mắc các triệu chứng kèm theo gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé” - BS Minh khuyến cáo.

Nguy hiểm khi cho trẻ ngậm muỗng, uống chanh khi sốt dẫn đến co giật

Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu co giật, lần đầu cha mẹ nên quan sát nhưng đến lần thứ hai, thứ ba cần liên hệ cơ sở y tế để kiểm tra. Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ cắn các vật quá cứng như đũa, ngón tay, chỉ nên cho trẻ ngậm vật mềm, giúp trẻ nằm nghiêng để đàm nhớt có thể chảy ra ngoài tránh nghẹt thở. Bên cạnh đó, không thọc tay vào cổ trẻ, không vắt chanh hay bất cứ thứ gì vào cổ họng trẻ vì sẽ không có tác dụng gì, đôi lúc làm phản tác dụng, ảnh hưởng đến các cơ quan khác.

Đồng thời khi trẻ có các biểu hiện sốt, cha mẹ nên quản lý cơn sốt thật kỹ lưỡng. Nếu trẻ sốt cao quá 39,5 độ C cần đưa trẻ đến BV để tránh các ảnh hưởng đến não, gây di chứng về sau.

BS NGUYỄN QUANG VINH,
khoa Nhiễm thần kinh BV Nhi đồng 1

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm