Trước khi bấm huyệt cần biết tình trạng xương khớp

Muốn vậy phải chụp X-quang, đo mật độ xương, đôi khi cả MRI để phát hiện những bất thường về cột sống, loãng xương. “Nếu có những bất thường nói trên thì không nên bấm huyệt, chỉnh nắn xương khớp vì dễ gây biến chứng” - BS Năm lưu ý.

Theo BS Năm, người bị thoái hóa đốt sống cổ thường có nguy cơ kèm thêm bệnh lý loãng xương hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống cổ nặng. Nếu người bấm huyệt thực hiện những thao tác mạnh có thể làm bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm nặng hơn, gây chèn ép tủy sống, dẫn đến hiện tượng liệt tứ chi. Đôi khi còn có nguy cơ gây tổn thương vùng thần kinh phụ trách hô hấp, tim mạch.

BS Năm cho biết thêm người có bệnh lý tim mạch (cao huyết áp, thiếu máu cơ tim...) nếu bị tác động mạnh trong quá trình bấm huyệt sẽ gây đau đột ngột, thúc đẩy tình trạng nhồi máu cơ tim, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy muốn được bấm huyệt, chỉnh nắn xương khớp cần thiết phải được thực hiện bởi một thầy thuốc chuyên nghiệp.

Mới đây, một bệnh nhân ở Hà Nội bị liệt tứ chi, hôn mê, ngưng thở, ngưng tim sau khi bấm huyệt tại nhà một thầy lang.

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm