Uống 2 chai bia tăng 40 lần nguy cơ gây tai nạn

Thông tin trên được bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, cung cấp cho Pháp Luật TP.HCM bên lề hội thảo lấy ý kiến dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được tổ chức tại tỉnh Bình Dương mới đây.

Rượu, bia gây ra nhiều cái chết tức thì

. Phóng viên: Ngoài nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT), người uống rượu, bia còn gây ra những hậu quả gì nữa, thưa bà?

+ Bà Vũ Thị Minh Hạnh: Rượu, bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gia tăng tỉ lệ TNGT ở nam giới trong độ tuổi 15-49. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), TNGT liên quan đến rượu, bia ở Việt Nam ước tính chiếm hơn 36% ở nam giới và gần 1% ở nữ giới.

Bình quân mỗi năm Việt Nam có 15.000 người chết vì TNGT. Trong đó, 4.800 trường hợp có liên quan rượu, bia. Điều này cho thấy rượu, bia gây ra nhiều cái chết tức thì. Trưa gia đình, bạn bè mới thấy đó nhưng chiều có thể đã tử vong do điều khiển xe khi đã uống rượu, bia.

Chưa hết, 70% số vụ phạm pháp hình sự ở Việt Nam có nguyên nhân xuất phát từ sử dụng rượu, bia ở nhóm tuổi dưới 30. Rượu, bia còn là nguyên nhân trực tiếp của nhiều vụ lạm dụng tình dục phụ nữ, trẻ em.

Rượu, bia còn gây hậu quả về bạo lực gia đình và tổn thất sức lao động. Khảo sát cho thấy gần 89% hộ gia đình có người sử dụng rượu, bia trong năm 2018. Điều này dẫn đến tình trạng ly hôn, rạn nứt mối quan hệ trong gia đình, không đủ sức khỏe đảm nhận công việc, kể cả bạo lực gia đình.

Có một câu chuyện điển hình: Trong lần khảo sát tình hình đời sống của các gia đình ở một tỉnh nọ, tôi hỏi cuộc sống, việc làm một chị hai tay ôm hai con. Mới hỏi được vài câu, chị này tỏ vẻ sốt ruột: “Chị hỏi gì hỏi nhanh đi, chồng tôi say rượu sắp tỉnh rồi. Thấy tôi chưa làm xong việc này việc nọ, ổng đánh tơi bời”.

Bác sĩ BV Nhân dân 115 (TP.HCM) đang điều trị một trường hợp tai nạn giao thông do rượu, bia. Ảnh: TRẦN NGỌC

Mức an toàn là… không uống rượu, bia

. Hầu như ai cũng biết rượu, bia để lại nhiều hậu quả đối với sức khỏe và kinh tế. Bà có thể nói rõ hơn vấn đề này?

+ Rượu, bia là một trong bốn yếu tố nguy cơ hàng đầu của các bệnh không lây nhiễm. Cụ thể, bệnh lý tim, mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ), tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính), suy giảm miễn dịch và đặc biệt là ung thư (khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan, vú…).

Điều đáng quan tâm là rượu, bia là tác nhân duy nhất gây bệnh loạn thần (tỉ lệ rất cao), hội chứng rối loạn phát triển bào thai (đang có tỉ lệ gia tăng nhanh chóng).

Chưa hết, sử dụng rượu, bia không nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng là nguyên nhân ngộ độc và tử vong.

Sử dụng rượu, bia gây ra gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội.

. Thưa bà, tình hình người Việt Nam hiện uống rượu, bia ra sao? Uống ở mức độ nào là an toàn?

+ Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ ba châu Á và thứ 64 trên thế giới về tình trạng uống rượu, bia. Sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác của Việt Nam đang ở mức đáng báo động.

Điều đáng lo ngại là xu hướng trẻ hóa tuổi uống rượu, bia đang gia tăng. Khảo sát cho thấy gần 80% nam và trên 36% nữ vị thành niên/thanh niên có sử dụng rượu, bia. Trong đó, gần 67% nam và 22% nữ đã từng say rượu, bia. Bên cạnh đó, gần 48% trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14-17 tuổi) đã sử dụng rượu, bia. Con số này khá cao. Chưa hết, gần 44% học sinh đã uống rượu, bia trước 14 tuổi. Trong đó, hơn 22% đã uống đến mức say ít nhất một lần.

Hiện nay, đơn vị rượu là thước đo dùng quy đổi các loại đồ uống có cồn với nhiều nồng độ khác nhau. Một đơn vị rượu tương đương 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%), một ly bia hơi 330 ml (4%), một ly nhỏ 100 ml rượu vang trắng hoặc đỏ (13,5%), một chén 30 ml rượu mạnh (40%).

Mức an toàn đối với sức khỏe là không sử dụng bất kỳ đơn vị rượu. Nếu uống không quá hai đơn vị rượu/ngày đối với nam và không quá một đơn vị rượu/ngày đối với nữ thì ở mức độ nguy cơ thấp. Tuy nhiên, nếu mỗi lần uống từ sáu đơn vị rượu trở lên sẽ rơi vào mức độ nguy hiểm. Ở mức độ này, người uống sẽ có những tổn hại về sức khỏe, tâm thần, bạo lực…

. Xin cám ơn bà.

Phó Thủ tướng kêu gọi “Đã uống rượu bia - Không lái xe”

Sáng 12-5, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp cùng UBND TP Hà Nội tổ chức phát động đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia - Không lái xe”.

Tham gia lễ phát động, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ TNGT do tài xế vi phạm nồng độ cồn gây ra, điển hình là hai vụ TNGT ngày 22-4 và 1-5-2019 tại Hà Nội đã cướp đi ba người mẹ, khiến năm cháu nhỏ đang hạnh phúc ấm êm bỗng trở nên bất hạnh, côi cút, vĩnh viễn không còn mẹ.

Phó Thủ tướng kêu gọi mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tại Việt Nam cùng thực hiện một hành động “Đã uống rượu bia - Không lái xe”.

“Mỗi người hãy cương quyết không uống rượu, bia nếu bạn là người phải lái xe sau bữa ăn. Không mời, không ép bạn bè, người thân uống rượu, bia nếu biết rằng họ phải lái xe sau bữa ăn. Hãy từ chối, cương quyết từ chối ngồi lên xe ô tô hay mô tô mà người lái xe vừa uống rượu, bia. Những người chủ nhà hàng, quán nhậu hãy hỏi để biết và cung cấp đồ uống không có cồn cho khách hàng phải lái xe sau bữa ăn” - Phó Thủ tướng nói.

TUYẾN PHAN

Cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia

Những giải pháp kiểm soát tác hại rượu, bia cần bao quát đầy đủ các phương diện: Kiểm soát cung, kiểm soát cầu và giảm tác hại. Trong đó, chú trọng các giải pháp đã thực hiện thành công tại nhiều nước trên thế giới như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt; kiểm soát quảng cáo, tiếp thị rượu, bia; cấm sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; kiểm soát điểm bán, giờ bán, đối tượng mua…

 VŨ THỊ MINH HẠNHPhó Viện trưởng Viện Chiến lược
 và Chính sách y tế, Bộ Y tế

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm