Vì sao phải phun thuốc diệt muỗi ngăn virus Zika trong Thảo Cầm Viên?

Ngày 8-4, Pháp Luật TP.HCM có đăng tin “Công bố dịch do virus Zika tại quận 2, TP.HCM”. Trong bản tin có chi tiết: “Do nơi làm việc của bệnh nhân gần Thảo Cầm Viên nên thời gian tới y tế dự phòng tiếp tục phun hóa chất trong Thảo Cầm Viên. Đồng thời hướng dẫn nhân viên tại Thảo Câm Viên truy tìm và xử lý ổ lăng quăng”. Một số bạn đọc thắc mắc vì sao phải phun hóa chất diệt muỗi và xử lý ổ lăng quăng trong Thảo Cầm Viên.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Zika trên địa bàn huyện Bình Chánh (TP.HCM). Ảnh: TRẦN NGỌC

Liên quan đến câu hỏi trên, BS Lê Hồng Nga, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, giải thích: “Virus Zika lây qua muỗi Aedes, có thể là Aedes albopictus hoặc Aedes aegypti. Đặc điểm của muỗi Aedes albopictus là sinh hoạt ngoài nhà, nơi có rừng cây, bụi rậm. Trong khi đó, Thảo Cầm Viên đã từng phát hiện sự hiện diện của muỗi Aedes albopictus nên việc phun hóa chất diệt muỗi tại đây là cần thiết. Bên cạnh đó, để giải quyết căn cơ, gốc rễ lây truyền dịch bệnh thì cần phải xử lý các ổ lăng quăng, chỗ đọng nước trong Thảo Cầm Viên”.

BS Vương Anh Tài, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM, cho biết thêm phòng đang lập kế hoạch triển khai hoạt động kiểm tra phòng, chống bệnh do virus Zika tất cả 24 quận, huyện TP.HCM. Bên cạnh đó, phòng Nghiệp vụ y cũng tham mưu Sở Y tế TP.HCM thành lập sáu đoàn kiểm tra phòng, chống dịch bệnh Ziaka trên địa bàn TP do thành viên Ban giám đốc Sở Y tế TP.HCM làm trưởng đoàn. Sáu đoàn kiểm tra này sẽ bắt đầu hoạt động vào tuần sau.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm