Xông hơi thảo dược, không được tuỳ thích

Xông hơi thảo dược, không được tuỳ thích

Ảnh mang tính minh họa

Xông hơi thảo dược là phương pháp trị bệnh cảm sốt giai đoạn đầu. Phương pháp này có từ xa xưa, bằng cách sử dụng lá cây có tinh dầu thơm đun với nước sôi nhằm sát khuẩn vùng hầu - họng, mũi - xoang, tăng lưu thông máu, giúp hạ nhiệt, giảm cảm giác đau mỏi cơ bắp, đau đầu, nghẹt mũi, đau họng… Thảo dược để xông thường là lá tre, lá bưởi, kinh giới, bạc hà, hương nhu, lá ngũ trảo, cành và lá hoắc hương, sả, gừng…

Các spa, cơ sở massage uy tín thì có nhân viên y tế theo dõi quá trình xông hơi thảo dược cho khách. Nhiều nơi khác, nhân viên không có hiểu biết y học cổ truyền, không quan tâm người xông đang khoẻ hay yếu, thời gian xông bao lâu, bị huyết áp, tim mạch gì không… mà  cứ tiếp nhận người cần xông, đưa vào phòng xông trong vòng 30 - 40 phút, xông chung với nhiều người. Đây là việc làm rất nguy hiểm bởi cơ địa mỗi người thích hợp với thời lượng và nhiệt độ xông khác nhau (có người chịu được thời gian xông 10 - 15 phút, nhưng có người chỉ chịu được 5 - 10 phút). Thường thì phòng xông điều chỉnh nhiệt độ cao để người xông ra nhiều mồ hôi, nhưng tăng tiết nhiều mồ hôi có thể khiến người được xông chóng mặt, ngất do mất nước. Với người yếu, gầy, cao tuổi, người dễ ra mồ hôi nên điều chỉnh nhiệt độ vừa phải, chỉ từ 35 -  45 độ C.

Sau khi xông, một số nơi còn hướng dẫn người xông tắm dưới vòi nước, ngâm mình vào hồ hoặc chuyển sang phòng có nhiệt độ thấp hơn để giảm bớt sức nóng. Điều này hoàn toàn sai, bởi sau khi xông, lỗ chân lông đang giãn nở, chuyển sang nơi có nhiệt độ thấp đột ngột sẽ làm co các mạch máu, gây tình trạng thiếu máu nuôi một số cơ quan trọng yếu như tim, não… Tốt nhất nên tắm sạch trước khi xông để cơ thể dễ thích nghi với môi trường ấm trong phòng xông. Sau khi xông, chỉ nên dùng khăn khô lau mồ hôi, nằm nghỉ ngơi trong phòng ấm, uống bổ sung nước (chỉ nên uống nước ấm, không nên uống nước đá ngay sau khi xông). Cuối cùng, khi có nhu cầu xông hơi thảo dược, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin liên quan và chỉ chọn cơ sở có uy tín.

Theo BS.CK2 Trần Văn Năm, phó viện trưởng viện Y dược học dân tộc TP.HCM (Người đô thị)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm