Bỏ 15.000 tỉ mua vịt trời và ảo mộng ‘1 đêm thành tỉ phú’

Việc mất tiền do rơi vào cái bẫy không hề mới. Công ty Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo iFan, Pincoin giống như một loại cổ phiếu có giá trị, với giá 1,6-2,6 USD/iFan; đồng thời cam kết với nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Nếu nhà đầu tư mời gọi được người khác tham gia sẽ được hưởng thêm hoa hồng 8%.

Song song đó, để tạo ra niềm tin, Modern Tech giới thiệu Ifan là dự án tiền kỹ thuật số được thành lập theo Luật pháp Singapore, dùng để thanh toán các dịch vụ giữa người nổi tiếng và fan hâm mộ. Người đầu tư được cam kết rằng giá trị Ifan sẽ tăng mỗi ngày do sự ký kết liên tục với các ca sỹ nổi tiếng tại Việt Nam.

Còn Pincoin được gắn mác là dự án đến từ Dubai. Chưa kể, thời gian đầu Modern Tech chi trả tiền cho người đầu tư rất đàng hoàng, nhưng thực tế là lấy tiền người sau trả cho người trước.

Đây không khác gì một hình thức đa cấp nhưng vẫn lôi kéo được cả đám đông lao vào như con thiêu thân bất chấp mọi thứ rất lỏng lẻo, tính chất pháp lý không có.

Và khi số tiền thật đổ về quá nhiều, thì các ông chủ Modern Tech biến mất để lại đống tiền ảo vô giá trị cho nhà đầu tư. Lúc này hàng ngàn nhà đầu tư mới vỡ mộng mình đã mua vịt trời và vịt trời bay mất!

Từ trước đó Nhà nước cũng đã nói rất rõ là “tiền ảo” không có giá trị giao dịch thanh toán, và hành vi phát hành những loại tiền ảo này cấm thực hiện tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa mọi người biết rằng tham gia vào những hình thức này không được pháp luật bảo vệ và chịu nhiều rủi ro.

Ngay cả những người tham gia cũng thấy rất rõ các giá trị quy đổi tiền ảo thành tiền thật không dưa trên cơ sở pháp lý nào, và chuyển tiền ảo thành tiền thật lấy từ nguồn nào.

Vậy chỉ có thể lý giải việc tham gia vào mô hình này xuất phát từ lòng tham, và mơ một giấc mơ “làm giàu qua một đêm”, mà không cần phải bỏ thời gian, trí tuệ và công sức lao động.

Nếu những người nghèo cầm cố nhà cửa tham gia vào mạng lưới để mơ giấc mơ đổi đời thì đáng ngạc nhiên nhưng có cả những người sở hữu hàng chục tỉ đồng. Con số đáng mơ ước để có thể làm những chuyện kinh doanh khác một cách ổn định và ít rủi ro. Vậy thì chỉ có thể nói một chữ “tham”.

Thuyết trình về triển vọng phát triển của tiền ảo iFan diễn ra khắp nơi

Về phía Nhà nước, rõ ràng đã có cảnh báo không công nhận tiền ảo. Nhưng việc các dự án tiền ảo tổ chức rầm rộ các buổi diễn thuyết, hội thảo kêu gọi đầu tư khắp nơi… mà không có động thái cảnh báo hay ngăn chặn thì kể cũng lạ.

Hơn nữa, người tham gia chơi đông đảo và rầm rộ một thời gian dài như thế này mà không hay biết cho đến khi vụ việc đổ vỡ và báo chí lên tiếng thì mới dừng lại ở chỗ nắm vụ việc trên thông tin đại chúng. Rất khó hiểu!

Nếu chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo rủi ro mà không có động thái cụ thể để ngăn chặn đa cấp tiền ảo biến tướng lừa đảo thì rõ ràng quản lý nhà nước đang có khoảng trống, chưa làm tròn trách nhiệm của mình!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm