Cổ đông ngoại của VNG lần đầu tiên lộ diện

Tencent, một công ty công nghệ Trung Quốc được đồn đoán là chiếm tỉ lệ sở hữu là 31% tại Công ty Cổ phần VNG. Nguyên nhân, năm 2011, công ty này đã công bố đang sở hữu một công ty công nghệ tại khu vực Đông Nam Á mà không nói rõ tên. Thị trường cho rằng đây là Công ty VNG, vì Tencent đã đưa rất nhiều sản phẩm dịch vụ của mình vào Việt Nam thông qua VNG.

Tuy nhiên lời đồn đoán này đã bị xóa bỏ khi mới đây trong thông báo thay đổi giấy phép kinh doanh, VNG công bố chi tiết lần đầu tiên các cổ đông ngoại.

Theo đó, VNG hiện có tám cổ đông nước ngoài đang nắm giữ xấp xỉ 15 triệu cổ phiếu, tương đương 43,42% vốn điều lệ. Tỉ lệ cổ đông nước ngoài đã giảm so với bản công bố tại báo cáo thường niên năm 2017 là 46,75%.

Trong số cổ đông ngoại thì chiếm tỉ lệ sở hữu lớn nhất là Tenacious Bulldog Holdings Limited, sở hữu gần 23% cổ phần của VNG với trụ sở đặt tại Offshore Incorpotations Centre, British Virgin Islands - được mệnh danh là "thiên đường" thuế.

Cùng đặt trụ sở tại địa chỉ này còn một cổ đông khác là Prosperous Prince Enterprises Limited, sở hữu 5,46% vốn của VNG. Tổng sở hữu của hai cổ đông này chiếm 28,46% vốn điều lệ VNG.

Trong danh sách mới công bố còn có tên một số tổ chức khác như GS Treasure Sarl (sở hữu 3,55%) và Gamevest PTE (sở hữu 8,14%).

Tuy vậy, Tencent vẫn có dáng dấp hiện hữu tại VNG. Cụ thể là trong bốn cổ đông ngoại đang sở hữu cổ phần VNG có tên ông Shen Hao với sở hữu 1,74%. Theo báo cáo thường niên 2017 của VNG, ông Shen Hao, quốc tịch Trung Quốc, hiện là phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của VNG. Trước đó, ông từng làm giám đốc phụ trách mua bán và sáp nhập của Tập đoàn Tencent (Trung Quốc).

Ông Martin Lau Chi Ping, tỉ phú Hong Kong, Chủ tịch của Tencent Holding hiện cũng là một trong năm thành viên Hội đồng quản trị của VNG.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán bán niên năm 2018 của VNG, Tencent Holdings Limited xuất hiện với thông tin là "bên liên quan" và ghi nhận doanh thu phí tư vấn kỹ thuật từ công ty này. VNG đã phải trả cho Tencent phí này hơn 400 triệu đồng trong sáu tháng đầu năm 2018.

Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài chỉ nắm giữ hơn 44% vốn điều lệ của VNG nhưng đang nắm giữ quá bán quyền biểu quyết tại doanh nghiệp này.

Lũy kế sáu tháng đầu năm 2018, VNG đang kiếm doanh thu rất tốt từ dịch vụ trò chơi trực tuyến hơn 1.100 tỉ đồng. Kế đến là quảng cáo trực tuyến là 321 tỉ đồng, mảng kinh doanh nhạc chờ cũng kiếm bộn tiền 16,2 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm