FE Credit bị thanh tra vì nghi đe dọa người tiêu dùng

Cơ quan Thanh tra giám sát vừa có văn bản phản hồi Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) (Bộ Công Thương) liên quan FE Credit. Việc thanh tra đối với FE Credit đã được cơ quan này đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2018. Quá trình thanh tra FE Credit, cơ quan này sẽ xem xét các nội dung NTD phản ánh để xử lý theo quy định.

Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD cho biết cơ quan này liên tục nhận được phản ánh của NTD liên quan tới FE Credit - công ty tài chính tiêu dùng 100% vốn của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Trong đó ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh của người dân liên quan tới giao dịch vay tiền để mua mỹ phẩm Deaura và hành vi liên hệ thu hồi nợ của FE Credit có dấu hiệu quấy rối, đe dọa NTD.

Thậm chí có những trường hợp khách hàng không hề vay tiền song vẫn bị các nhân viên thu hồi nợ của công ty tài chính liên tục gọi điện đòi nợ, nhắc nợ, de dọa...

Chị Thủy Anh (quận 2, TP.HCM) cho biết từng liên tục nhận được điện thoại từ số điện thoại xưng thuộc công ty tài chính cho vay tín dụng tiêu dùng của một ngân hàng có trụ sở trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận yêu cầu thanh toán khoản vay 50 triệu đồng. Hỏi nhân viên đòi nợ, chị vỡ lẽ số điện thoại của mình nằm trong danh sách "số điện thoại tham chiếu, có liên quan với người đi vay".

"Tôi đã nói rõ mình không đi vay và nhắc nợ thì phải nhắc người đi vay chứ sao lại nhắc người liên quan thì được nhân viên nói là không liên lạc được với "con nợ".

Tuy nhiên, khi tôi liên lạc lại với chị bạn - người đứng tên hợp đồng vay tiêu dùng thì chị này xác nhận là chị không hề nhận được bất cứ cuộc gọi nào của nhân viên công ty tài chính cả.

Việc "truy cứu" món nợ đó liên tục "nã" vào số điện thoại liên tiếp ba tháng, cho tới khi chị bạn tôi phải đích thân lên ngân hàng yêu cầu không được nhắc đòi nợ vào số điện thoại tham chiếu nữa thì số điện thoại của tôi mới thoát khỏi "khủng bố"" - chị Thủy Anh chia sẻ.

Tình cảnh bị làm phiền do đòi nợ nhầm mà chị Thủy Anh gặp phải không phải là hiếm, bởi Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương) xác nhận trong những năm gần đây, số lượng khiếu nại của NTD chủ yếu tập trung vào nhóm chủ thể là công ty tài chính đang gia tăng.

Theo khiếu nại của NTD, nhân viên tư vấn thường cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn cho NTD. Ví dụ, khi tư vấn, nhân viên cam kết mức lãi suất chỉ 1%-2%/tháng. Thực tế mức lãi suất thể hiện trên hợp đồng là 6%/tháng.

Ngoài ra có hiện tượng nhân viên tư vấn mạo danh tên của ngân hàng để giới thiệu dịch vụ cho vay. Thực tế, sau khi kiểm tra hợp đồng đã ký kết, NTD mới nhận thấy khoản vay là do công ty tài chính cung cấp với mức lãi suất khá cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm