Giá vàng sẽ dò đáy đến bao giờ?

Chỉ cần tính trong ba phiên giảm liên tiếp gần đây, từ vùng 1.730 USD/ounce, đầu giờ sáng nay (31-3) giá vàng thế giới rơi thẳng đứng xuống quanh ngưỡng 1.680 USD/ounce, “bay” khoảng 45 USD/ounce, tương đương giảm hơn 1,2 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 46,95 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng trong nước sáng nay cũng chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng. Hiện vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giao dịch ở mức 54,2 - 54,6 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều qua.

Ảnh minh họa

Tính từ ngày 6-1, thời điểm thị trường vàng thế giới tuột khỏi vùng 1.950 USD/ounce thì đến nay kim loại quý đã mất tới hơn 14% giá trị, tương đương giảm hơn 7,5 triệu đồng/lượng. 

Dù có thời điểm tăng nhưng nhìn chung trong gần ba tháng qua giá vàng thế giới vẫn đang chìm trong chu kỳ giảm sâu, chưa biết khi nào phục hồi tăng trở lại.

Với mức giảm thê thảm này, có lẽ đầu tư vàng là một trong những lựa chọn sai lầm lớn nhất của nhà đầu tư so với các kênh khác như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ, hay gửi tiết kiệm.

Còn với những ai trót ôm vàng miếng SJC từ vùng 58 – 62 triệu đồng/lượng, thì tới nay họ đã bị “thủng túi” khoảng 4 - 8 triệu đồng/lượng.

Sau nhiều ngày giữ ổn định ở quanh mức 55 triệu đồng/lượng thì đến hiện tại, giá vàng SJC đồng loạt lùi xa khỏi mốc này và đang giao dịch sát vùng 54 triệu đồng/lượng, rơi về mức thấp nhất trong vòng bốn tháng trở lại đây.

Trao đổi với ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, ông cho biết: “Việc tăng giảm của thị trường vàng là điều hoàn toàn bình thường. Có thời điểm giá vàng trong năm 2020 đã bật lên trên 2.000 USD/ounce thì đương nhiên cũng sẽ điều chỉnh giảm. Do đó, nhận định về thị trường giá vàng sẽ có những đánh giá khác nhau tùy thuộc vào chu kỳ đầu tư là ngắn hạn hay trung, dài hạn.

Nhìn về ngắn hạn, giá vàng thế giới hiện đã phá vỡ các mốc 1.900 USD/ounce, 1.800 USD/ounce, 1.700 USD/ounce và giờ đây nếu tiếp tục xuyên thủng đáy 1.600 USD/ounce thì có thể trở về quanh vùng 1.550 USD/ounce. Đây cũng chính là vùng giá trước thời điểm dịch COVID-19 ập xuống. Với vùng giá này, giá vàng thế giới tương đương khoảng 43 triệu đồng/lượng". 

Tuy nhiên, nếu nhìn về lâu dài thì vàng vẫn còn cơ hội tỏa sáng. Bởi lẽ những bệ đỡ cho đà tăng của giá vàng vẫn hiện hữu khi mà gói kích cầu nền kinh tế của Mỹ lên tới 1.900 tỉ USD đã chính thức thông qua.

Một khi tiền càng bơm ra nhiều thì lạm phát khó mà giảm được. Bên cạnh đó FED cũng cam kết sẽ tiếp tục giữ mức lãi suất USD gần bằng 0% và dự báo sẽ không tăng lãi suất cho đến năm 2023.

Tiếp đến là vaccine COVID-19 vẫn chưa thể cung cấp đại trà, vẫn chưa tìm ra thuốc chữa trị cho dịch bệnh này. Do đó, không ai có thể dám chắc sẽ kiếm soát tốt tình hình dịch bệnh trong tương lai.

"Với hàng loạt yếu tố bất ổn vẫn còn rình rập như vậy thì giữ vàng trong dài hạn vẫn không phải là điều quá mạo hiểm" - ông Khánh nhận định.

Chỉ số Dollar Index, đồng bạc xanh so với sáu loại tiền tệ chính đã phá vỡ mức trần 93 quan trọng, đứng vững ở mức 93,35 điểm nhờ dự báo tích cực về khả năng hồi phục nền kinh tế. Triển vọng hồi phục tiếp tục được ủng hộ trong tuần vừa qua khi một số dữ liệu vĩ mô được công bố. 

Giá vàng nội, ngoại bất ngờ lao dốc
Giá vàng nội, ngoại bất ngờ lao dốc
(PLO)- Chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh tăng mạnh đã khiến kim loại quý không còn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Giá vàng miếng SJC tuột khỏi mốc 55 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm