Giá vàng tiếp tục leo thang, cá mập thi nhau mua

Giá vàng trong nước hôm nay 29-5 tiếp tục tăng, tiến sát ngưỡng gần 57 triệu đồng/lượng. Giá vàng trên thị trường thế giới hiện giao động quanh mức trên 1.903 USD/ounce, tương đương 53,05 triệu đồng/lượng. 

Tính từ đầu tháng tư vừa qua, giá vàng trên thị trường thế giới liên tục phá mốc kháng cự quan trọng. Từ mốc 1.700 USD/ounce, giá vàng thế giới dần phá vỡ ngưỡng kháng cự 1.800 USD/ounce và giờ đây đang thử thách ở ngưỡng kháng cự quan trọng tiếp theo là 1.900 USD/ounce.

Nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng thế giới trong tương lai gần có thể tái thiết lập vùng đỉnh 2.000 USD/ounce (tương đương 56 triệu đồng/lượng).

Như vậy chỉ trong 2 tháng qua, giá vàng thế giới tăng khoảng 13,1% tương đương tăng 220 USD/ounce, tức tăng hơn 6 triệu đồng/lượng.

Một trong những nguyên nhân khiến giá vàng thế giới liên tiếp lập đỉnh là do USD- đồng tiền dùng để định giá vàng, đang liên tục giảm giá trị. Do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục “bơm” các gói tài chính nhằm phục hồi nền kinh tế.

Tiền được tung ra ồ ạt khiến USD giảm giá mạnh. Chỉ tính từ đầu tháng 4 đến nay đồng bạc xanh đã giảm khoảng 4%, và hiện chỉ số DXY đo sức mạnh đồng bạc xanh đang dao động quanh mức 90,056 điểm - tiệm cận vùng thấp trong vòng 3 năm qua. Còn nếu tính từ giữa tháng 3-2020 thì đến nay đồng USD đã bị “thổi bay” khoảng 13% giá trị.

Đáng chú ý, không chỉ Mỹ, mà các nước khác trên thế giới cũng đang buộc phải tung ra các gói cứu trợ của mình. Một khi tiền được bơm quá nhiều thì những gì được coi là tài sản, đơn cử như vàng, bạc, kim loại hiếm đều tăng giá.

Còn một lý do nữa khiến giá vàng tăng mạnh là dòng tiền đổ vào vàng của các quỹ và ngân hàng trung ương trên thế giới cũng tăng rất mạnh.

Chỉ tính từ đầu tháng 5 đến nay, Quỹ đầu tư tín thác vàng (SPDR Gold Trust) lớn nhất thế giới đã mua vào với số lượng lên đến 34,61 tấn vàng, nâng khối lượng vàng do quỹ này nắm giữ hiện tăng lên 1.043,21 tấn.

Tương tự, quỹ hoán đổi danh mục (ETF) cũng bất ngờ có chuỗi 6 phiên mua ròng với khối lượng đạt 9,15 tấn.

Thông tin từ Bloomberg cũng cho hay, tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã mua thêm 1,4 triệu ounce, nâng lượng vàng nắm giữ lên 6,35 triệu ounce vàng từ mức 4,95 triệu ounce vào tháng 3 (theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF).

Vào tháng 3, Hungary bất ngờ có đợt mua vàng lớn nhất trong vòng 10 năm qua của quốc gia này với số lượng lên đến 94,5 tấn, tăng gấp 3 lần dự trữ vàng so với trước đây. Ba Lan cũng mua vào gần 95 tấn vàng và có thể vẫn tiếp tục mua thêm.

Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy trong tháng 2 năm nay, các ngân hàng trung ương đã mua ròng vàng thỏi, dẫn đầu là Ấn Độ với lượng vàng mà quốc gia này mua vào lên đến 11,2 tấn. Tính chung quý 1 năm nay, Ấn Độ đã nhập khẩu 321 tấn vàng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, Trung Quốc (nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới) đã cho phép các ngân hàng trong nước nhập khẩu một lượng lớn vàng thỏi (khoảng 150 tấn). Hay như với nước Nga, sau khi tạm dừng mua vàng trong suốt một năm trước, thì giờ đây cũng đã bắt đầu mua vàng trở lại.

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính cho biết: Từ 4-5 năm nay, không chỉ có ngân hàng trung ương trên thế giới mạnh tay gom vàng mà ngay cả các định chế tài chính, ngân hàng cũng có động thái mua vàng ngày càng nhiều. Các quỹ ETF đã có chuỗi phiên mua ròng kéo dài tới 7 tháng kể từ tháng 12/2019 cho đến tận tháng 6/2020 - chu kỳ mua ròng dài nhất lịch sử.

Ông Khánh cho biết thêm: Số liệu thống kê của Hội đồng Vàng Thế giới, lượng mua vàng của các ngân hàng trung ương trong năm 2019 ước tính gần 700 tấn -  mức mua vào nhiều nhất trong vòng 60 năm qua.

Với động thái mua vàng trong suốt một thời gian dài nhưng gần như tất cả định chế tài chính, các ngân hàng Trung ương trên thế giới hầu như không có ý định bán vàng hoặc bán vàng trong vài năm tới. Điều này có nghĩa, vàng đang được hỗ trợ trong một chu kỳ dài hạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm