Gỡ 'hòn đá tảng' để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng ngày 7-9, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Được biết, Thông tư 22 và Thông tư số 15 được NHNN ban hành đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động mua, bán TPDN của TCTD. Sau nhiều năm áp dụng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động ngân hàng, việc ban hành thông tư mới là cần thiết để bảo đảm phù hợp với tình hình hoạt động của các TCTD. Trong đó đặc biệt là việc bổ sung nội dung quy định về hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho hoạt động này.

Nhiều điều cần làm rõ trong dự thảo

Về nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, tại Khoản 5 Điều 3 dự thảo Thông tư quy định: “Tổ chức tín dụng không được vay vốn của tổ chức tín dụng khác để mua trái phiếu doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng Luật các TCTD không cấm hoạt động này, nên không có sơ sở để dự thảo đưa ra điều cấm như trên. Việc đưa ra điều cấm này chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, các TCTD huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau và thực hiện quản lý vốn tập trung. Nguồn vốn tập trung được sử dụng cho các mục đích như đầu tư, cho vay, trả nợ đến hạn... và không tách riêng nguồn hình thành vốn khi sử dụng.

Vì vậy, TCTD không có căn cứ để xác định nguồn vốn sử dụng để mua trái phiếu doanh nghiệp được hình thành từ nguồn nào. Do đó, đề nghị NHNN bỏ nội dung này do không phù hợp với hoạt động quản lý vốn của TCTD”.

Một bất cập khác là tại Khoản 11 Điều 3 dự thảo quy định: “Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động”.

Ông Nguyễn Viết Mạnh - Thành viên HĐTV Agribank, đặt vấn đề: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu là để tăng qui mô vốn, vậy tại sao dự thảo có qui định cấm đầu tư trái phiếu với mục đích tăng qui mô vốn hoạt động. Do đó, dự thảo cần phải làm rõ khái niệm thế nào là tăng qui mô vốn hoạt động?”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng, cho biết thêm: "Mục đích tăng quy mô vốn hoạt động là mục đích phát hành trái phiếu hợp pháp theo Luật Chứng khoán và Nghị định 153/2020/NĐ-CP.

Việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích tăng quy mô vốn hoạt động để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh là nhu cầu chính đáng và không thuộc các trường hợp không được cấp tín dụng và TCTD vẫn được phép cho vay đối với mục đích này theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN.

Nếu quy định như dự thảo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức phát hành có nhu cầu huy động vốn thật sự, cũng như TCTD trong hoạt động đầu tư này. Thực tế hiện nay, các nhà đầu tư tham gia đầu tư thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là các TCTD, các công ty chứng khoán.

Với quy định này của dự thảo sẽ làm giảm cơ hội các TCTD được đầu tư vào thị trường này, cũng như làm giảm đi sức hấp dẫn, thanh khoản của trái phiếu doanh nghiệp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Do đó, để nghị ban soạn thảo xem xét lại quy định các TCTD không được đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có mục đích phát hành tăng quy mô vốn hoạt động. Nhằm kiểm soát chặt hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, thay vì quy định không cho phép, NHNN có thể xem xét đưa ra các điều kiện ràng buộc mà TCTD phải đáp ứng khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp ở giai đoạn đầu tư sơ cấp."

Trong nửa đầu năm nay, NĐT tổ chức là NĐT chính trên thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ. Ảnh: Internet 

Những “tảng đá” kéo lùi sự phát triển của thị trường TPDN

Khoản 12 Điều 3 dự thảo Thông tư nói rằng TCTD không được bán TPDN cho công ty con của chính TCTD đó, trừ trường hợp theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc ngân hàng BIDV, nêu quan điểm: Thực tế cho thấy hiện có nhiều TCTD lớn đều có công ty con là công ty chứng khoán, đây là hai pháp nhân độc lập. Cho nên việc mua bán TPDN giữa hai tổ chức này đều dựa trên lợi ích hợp pháp chính đáng.

"Giao dịch giữa công ty mẹ - công ty con đều được các TCTD thực hiện công bố thông tin theo quy định pháp luật và đảm bảo cái tính minh bạch. Do đó, tôi cho rằng dự thảo nên gỡ bỏ điều khoản không được bán TPDN cho công ty con để đảm bảo tính thanh khoản, tính linh hoạt trong hoạt động kinh doanh của TCTD", ông Phương nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng: Luật các TCTD, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các qui định về quản trị công ty, công bố thông tin quy định rất chặt chẽ về trình tự, thủ tục phê duyệt giao dịch giữa công mẹ - con, đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, công khai.

Việc bán trái phiếu doanh nghiệp giữa TCTD và công ty con là các giao dịch giữa các pháp nhân với điều kiện tuân thủ theo quy định giao dịch và công bố thông tin giữa các bên liên quan, không làm ảnh hưởng đến hoạt động và tình hình tài chính của các TCTD. Đồng thời, việc giới hạn TCTD bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con có thể ảnh hưởng đến chiến lược, hoạt động kinh doanh của TCTD và công ty con.

Tương tự, tại Khoản 14 Điều 3 dự thảo quy định, trong vòng 12 tháng sau khi bán TPDN thì TCTD không được mua TPDN mà TCTD đã bán và/hoặc TPDN được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp mà TCTD đã bán.

Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Thu Trang, Giám đốc nguồn vốn ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nêu quan điểm: “Một trong những câu hỏi quan trọng mà nhà đầu tư nước ngoài đặt ra khi tìm hiểu thị trường TPDN Việt Nam đó là tính thanh khoản của trái phiếu. Khi đối chiếu với một số nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia hay Philippines thì chúng tôi nhận thấy họ đều cho phép các ngân hàng mua đi bán lại TPDN để kinh doanh.

Do đó, với qui định không cho phép các ngân hàng được mua đi bán lại trong vòng 12 tháng sẽ làm hạn chế kênh cung cấp thanh khoản cho thị trường thứ cấp và hạn chế cái sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó cũng có nghĩa kéo lùi sự phát triển của thị trường TPDN”, bà Trang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế cho biết: “Việc mua bán TPDN là một trong những quyền hợp pháp của trái chủ sở hữu TPDN. Do đó, quyền của TCTD đối với TPDN không nên bị hạn chế so với các trái chủ khác.

Quy định trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp, TCTD không được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán và/hoặc trái phiếu cùng lô/cùng đợt phát hành sẽ hạn chế các giao dịch của thị trường thứ cấp; ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như hạn chế việc TCTD đầu tư TPDN một cách linh hoạt, nhằm gia tăng biên lợi nhuận của TCTD.

Điều này dẫn tới các tổ chức kinh tế sẽ gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu, kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp có thể bị đứt gãy”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm