Hàng loạt khó khăn bủa vây doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo "Giải pháp thuận lợi hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh cho hộ kinh doanh Việt Nam".

Theo VEPR, khu vực hộ kinh doanh (kinh tế cá thể - bao gồm cả khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản) chiếm tỷ trọng 30% trong cơ cấu GDP của toàn bộ nền kinh tế.

Số liệu thống kê của đơn vị này ghi nhận tính đến thời điểm hiện tại, khu vực hộ kinh doanh (kinh tế cá thể - bao gồm cả khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản) đã chiếm một cấu phần quan trọng trong nền kinh tế (chiếm tỉ trọng tương đối ổn định, bình quân 30% GDP trong gian đoạn 2015-2019). Đến nay, khu vực hộ kinh doanh vẫn là thành phần kinh tế chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu GDP của toàn bộ nền kinh tế.

Mặc dù vậy, khu vực kinh tế hộ kinh doanh còn tồn tại nhiều điểm điểm bất lợi, hạn chế về quy mô, phạm vi hoạt động, khả năng huy động vốn và có thể phát sinh các chi phí không chính thức.

Trong phạm vi hoạt động, tuy hộ kinh doanh không còn giới hạn và phạm vi, quy mô hoạt động tại NĐ 01/2021 nhưng trên thực tế hộ kinh doanh vẫn gặp hạn chế về ngành nghề kinh doanh so với doanh nghiệp (ví dụ, hộ kinh doanh không được phép kinh doanh bất động sản quy mô lớn, ngân hàng…).

Ngoài ra, hộ kinh doanh cũng có thể gặp nhiều khó khăn hơn về chi phí không chính thức do đặc thù hoạt động của loại hình kinh doanh này (nộp thuế khoán, nguồn gốc hàng hóa không rõ ràng…).

Cũng vì không có tư cách pháp nhân và quy mô hoạt động nhỏ nên khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận với công nghệ của hộ kinh doanh cũng còn hạn chế. Hiện nay, đa số các chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ của Chính phủ đều dành cho khu vực doanh nghiệp. Trong khi đó, trong giao dịch kinh doanh, các hộ kinh doanh khó lấy được lòng tin của các đối tác khi hoạt động dưới hình thức vẫn được coi như “phi chính thức” như hiện nay.

Một trong những khó khăn lớn nhất của hộ kinh doanh là khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, hay nguồn vốn của các hiệp hội ngành nghề. Ngoài ra, hộ kinh doanh cũng không được phát hành thêm chứng khoán để huy động vốn phục vụ kinh doanh.

Khi dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, thì các doanh nghiệp muốn phục hồi và phát triển đều cần có vốn để tái cấu trúc lại lại sản xuất.

Tuy vậy, VEPR thừa nhận: Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có tài sản thế chấp và không quen làm phương án kinh doanh chi tiết thì sẽ rất khó vay vốn từ ngân hàng đặc biệt là thời kì COVID-19.

Đồng thời, vẫn còn một tỉ lệ lớn doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống và chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn. Tỉ lệ doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất hạn chế. Các doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ thường phải chịu chi phí vay đắt đỏ hơn so các doanh nghiệp vừa và lớn.

Chính vì vậy, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, sản xuất chịu nhiều tác động do dịch COVID-19, các hộ kinh doanh đều mong muốn nhà nước có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo như khảo sát của VEPR, hiện có 14,27% hộ kinh doanh mong muốn được hỗ trợ về tín dụng ngắn hạn vượt qua giai đoạn khó khăn. Tiếp đến là 13,91% mong muốn có chính sách hỗ trợ về thủ tục miễn giảm thuế, hỗ trợ về pháp lí chiếm 12,72%; có 12,47% mong muốn hỗ trợ về thủ tục tạm thời đóng của, tạm ngừng kinh doanh; 12,26% hộ kinh doanh mong muốn hỗ trợ về công nghệ; 11,85% là hỗ trợ đào tạo nghề và định hướng kinh doanh và cuối cùng là mong muốn hỗ trợ về đào tạo chiếm 11,61%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm