Hiến kế để 'lôi kéo' 70 tỷ USD đổ vào doanh nghiệp Việt

“Lấy tiền” của quĩ đầu tư không khó

Ông Trần Nhật Khanh, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures cho biết: Theo nghiên cứu của Bain & Company, là một Công ty nghiên cứu về quản lý trên thế giới dự đoán rằng trong vòng 3-5 tới sẽ có 70 tỷ USD được đầu tư vào thị trường Đông Nam Á, trong đó 90% dòng vốn của các nhà đầu tư trên thế giới xác định Việt Nam và Indonesia là hai điểm đến quan trọng nhất.

Hai trong số ngành nghề sẽ thu hút tới 70% số tiền đầu tư của các nhà đầu tư khi đổ tiền vào thị trường Việt Nam và Indonesia sẽ nằm trong lĩnh vực liên quan đến công nghệ hoặc sử dụng công nghệ để thay đổi các ngành chủ chốt.

Tương tự, nghiên cứu của HSBC cũng nhận định rằng trong vòng 12 năm tới (2019-2030) sẽ có khoảng 300 tỷ USD giá trị được tạo ra từ những thay đổi số hóa về công nghệ ở trên thị trường Việt Nam.

Nói về cách làm sao để “moi tiền” của quĩ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures, ông Trần Nhật Khanh cho rằng tiêu chí đầu tư của quỹ này rất đơn giản: Đó là VinaCapital Ventures nhìn vào thị trường, sản phẩm để nghiên cứu xem liệu sản phẩm của doanh nghiệp tạo ra có thị trường đủ lớn hay không?Nếu thị trường đủ lớn, thì sản phẩm của doanh nghiệp có mang tính cách mạng không, có sao chép theo nước ngoài không? Sản phẩm tạo ra có mang lại giá trị xã hội hay không? Và điều quan trọng nhất là tiềm năng để nhân rộng sản phẩm của doanh nghiệp ra khỏi biên giới Việt Nam ra sao?

Bên cạnh đó, VinaCapital Ventures cũng rất quan tâm đến tiêu chí đánh giá về con người, đội ngũ sáng lập của doanh nghiệp có tầm nhìn và có khả năng thực thi tầm nhìn của mình hay không?

"Chúng tôi thích những doanh nghiệp khởi nghiệp mà mỗi người trong đó một kỹ năng khác nhau về tài chính, về công nghệ, số hóa, cách bán hàng  hơn là những công ty mà chỉ có một người giỏi để điều hành tất cả mọi thứ", ông Khanh nói.

Nhìn lại quá trình hợp tác để có được khoản đầu tư 200 triệu USD từ một quĩ đầu tư Nhật Bản, Creed Group, ông Nguyễn Trung Tín, Tổng Giám đốc An Gia Investment cho biết: Kể từ khi chính thức ký hợp đồng hợp tác với quỹ đầu tư Nhật Bản Creed Group vào tháng 7-2015, đến nay hai bên đã hợp tác với nhau tại 6 dự án bất động sản.

Trong quá hợp tác thì bản thân An Gia Investment gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là do đội ngũ lãnh đạo của công ty vẫn còn trẻ, hầu hết là thế hệ 8X nên khi hợp tác với Quỹ Nhật Bản Creed Group đã gặp rất nhiều sự khác biệt về văn hóa, cách làm việc, tiêu chuẩn quốc tế

Và chiếc “chìa khóa bí mật” để giúp An Gia vượt qua tất cả những rào cản đó là phải chia sẻ hết tất cả những khó khăn, phải giúp đối tác lường trước rủi ro mà họ có thể đối mặt, bởi điều này sẽ giúp họ chuẩn bị nhiều kịch bản để phòng vệ. Thông qua những trao đổi thẳng thắn như vậy thì các đối tác cũng sẽ hiểu được văn hóa, hiểu được cách làm của doanh nghiệp Việt.

"Có thể nói, để hợp tác với quĩ nước ngoài một cách bền vững, điều quan trọng nhất là xây dựng niềm tin và khi có niềm tin thì tất cả khó khăn đều được giải quyết, làm sao để hai bên cùng hỗ trợ nhau để giải quyết khó khăn để đi đường dài, xây dựng những sản phẩm có thương hiệu mang tính chất lâu dài, chứ không đưa lợi nhuận là tiêu chí cao nhất trong quan hệ hợp tác", ông Nguyễn Trung Tín chia sẻ.

Đừng cố ép đối phương để làm lợi cho bản thân

Nhìn từ góc độ của nhà đầu tư, ông Yamaguchi Masakazu, Trưởng Đại diện tại Việt Nam của Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật) chia sẻ bí quyết để hợp tác giữa công ty nước ngoài và các doanh nghiệp Việt Nam.

Hai điểm chính là sự tôn trọng lẫn nhau và quan trọng hơn nữa là sự giao tiếp giữa hai bên. Khi chọn lựa đầu tư vào một doanh nghiệp Việt, Creed Group luôn mong họ sẵn sàng chia sẻ, trao đổi với chúng tôi để đạt đến các cam kết thỏa thuận chung mà không có bất kỳ che giấu thông tin nào dù là tốt hay xấu.

"Chúng ta không thảo luận theo hướng cố gắng ép đối phương trên phương diện văn hóa khác biệt, mà thay vào đó, chúng ta cần phải bàn bạc một cách rõ ràng về những gì làm được và không làm được… để đưa ra giải pháp chung cho hai bên.

Bởi lẽ, ngay cả người Nhật khi làm việc trong cùng một dự án thì mỗi người một ý kiến là điều rất bình thường. Cho nên khi hai đối tác khác về văn hóa cũng như cách thức làm việc thì chuyện chúng ta không đi đến cùng một quan điểm là điều hiển nhiên”, ông Yamaguchi Masakazu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm