Không cứu kịp thời thì doanh nghiệp khó tồn tại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, ngày 2-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã tiếp xúc cử tri doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố qua hình thức trực tuyến. Tại đây, hàng loạt các vấn đề liên quan đến vốn vay đã được nhiều doanh nghiệp đề cập.

Số lượng DN được giảm lãi suất không nhiều

Khi đánh giá về hiệu quả, mức độ tiếp cận của doanh nghiệp (DN) đối với các gói chính sách tiền tệ, tín dụng, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết: Rào cản lớn nhất khiến DN khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng hoặc từ các gói vay với lãi suất ưu đãi của Chính phủ là do DN không đáp ứng đủ điều kiện về tài sản thế chấp theo tiêu chuẩn tín dụng bình thường của ngân hàng để vay vốn trong thời điểm thị trường, sản xuất khó khăn hiện nay.

"Thậm chí một số DN còn phản ánh lãi suất cho vay còn cao so với tình hình kinh doanh hiện nay, đối tượng giảm lãi suất chưa nhiều, chưa công khai minh bạch”, ông Dũng nói.

Đồng quan điểm, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch, Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM cho biết thêm: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam nên mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí phát sinh đến trước ngày 31/12/2021 (thay vì trước ngày 01/8/2021), cần cụ thể mức lãi suất giảm để các ngân hàng thương mại áp dụng.

Cùng với đó, mốc thực hiện cơ cấu lại nợ nên được gia hạn trước 30/12/2022 để tạo động lực mạnh mẽ cho các DN phục hồi sản xuất. Bởi theo nhận định của chúng tôi thì các mốc thời gian mà Thông tư 14 gia hạn thêm vẫn chưa thoả đáng, nhất là đến thời điểm này, DN vẫn đang đối diện với những khó khăn về tài chính tương tự và chúng ta chưa biết khi nào sẽ kiểm soát được dịch bệnh để quay lại trạng thái mở cửa kinh tế. Vì vậy việc NHNN chọn mốc các khoản vay phát sinh trước ngày 1/8/2021 sẽ vô tình bỏ sót đối tượng thụ hưởng.

Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho rằng Chính phủ cần có gói hỗ trợ lãi suất với quy chế đặc biệt để tất cả các DN tiếp cận được, không phân biệt ngành nghề.

Bởi lẽ, trong bối cảnh dịch COVID-19, dòng tiền như ôxy đối với DN. Thế nhưng đa phần các DN không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất bởi quy định ngặt nghèo tại Luật tổ chức tín dụng. Nếu muốn được giải ngân DN phải đảm bảo các tiêu chí như: không có nợ xấu, đảm bảo doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo.

Trong khi đó, đại dịch Covid-19 đã khiến doanh thu DN sụt giảm, lợi nhuận âm, không có tài sản đảm bảo, dự báo khôi phục hoạt động phải trên 2 năm trong khi điều kiện cho vay của NHTM không đổi.

ho-tro-dn

Tại điểm cầu Văn phòng Đoàn ĐBQH TP.HCM. Ảnh: Tá Lâm

Không cứu kịp thời thì doanh nghiệp chỉ còn đường “chết”

Trước thực trạng khó khăn đang bủa vây lấy DN, để DN có thể vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn này, ông Phạm Văn Việt nêu quan điểm, cho dù dự kiến tháng 10/2021, NHNN và Bộ Tài chính trình Quốc hội gói hỗ trợ lãi suất 4%/năm (khoảng 3.000 tỉ đồng) trên tổng dư nợ 100.000 tỉ đồng thì các DN vẫn không thể tiếp cận được nếu không sớm ban hành 1 cơ chế đặc biệt cho các DN gặp khó khăn do đại dịch.

Đơn cử như VietnamAirline dù thua lỗ, nợ xấu, không có doanh thu nhưng vẫn được các NHTM cho vay hơn 4000 tỷ nhờ Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng.

Ông Chu Tiến Dũng đề xuất: Các cơ quan chức năng cần nới lỏng điều kiện cho vay theo hướng không bắt buộc thế chấp bằng tài sản; mở rộng hạn mức cho vay trong điều kiện DN không còn tài sản bảo đảm; cho phép kéo dài thời hạn hoàn vốn vay tương ứng thời gian cơ cấu lại các khoản nợ vay theo Thông tư 01 và thông tư 14 của NHNN.

Bà Lý Kim Chi cũng kiến nghị NHNN cần bổ sung các DN ngành nghề đặc thù trong ngành lương thực thực phẩm vào đối tượng được hỗ trợ các chính sách về vốn vay mới với mức giảm lãi suất thấp, đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay... của các ngân hàng.

Bởi các DN ngành lương thực thực phẩm hiện đang rất cần nguồn tài chính mới để thu mua, dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm chuẩn bị cho mùa sản xuất phục vụ thị trường Noel, Tết, góp phần bình ổn thị trường, an sinh xã hội.

"Hiện một phần lớn nguồn vốn dự trữ đã phải trưng dụng cho các chi phí phát sinh, các DN đã gồng gánh để có thể duy trì một phần sản xuất trong điều kiện khó khăn và nguồn tiền nay đã cạn. Cho nên nguồn hỗ trợ cho vay mới rất cấp bách và cần thiết với chúng tôi trong lúc này.

Đồng thời, bà Chi cũng cho rằng NHNN cần có chủ trương cho phép áp dụng việc điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp đang hiện hữu đối với những DN đang làm ăn có uy tín, có khả năng thu hồi vốn trong tương lai, nhằm giúp DN được tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% như hiện nay lên 85%.

Qua đó, giúp DN giảm bớt áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp và đề nghị ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn vay giữa trung, dài hạn và ngắn hạn đối với DN ngành sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm trong giai đoạn này, trong đó ưu tiên được tiếp cận vốn vay dài hạn nhiều hơn vốn ngắn hạn như tỉ lệ hiện nay.

Được biết, theo kết quả khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp thành phố về mức độ tiếp cận các gói tín dụng của doanh nghiệp cho thấy chỉ có 30,72% trong số 500 DN được hỏi đã tiếp cận được với các gói hỗ trợ về vốn/tín dụng của Chính phủ.

Trong đó, ngành xây dựng có tỷ lệ DN tiếp cận được với gói hỗ trợ thuế cao nhất (45,45%) và thấp nhất là các DN trong ngành công nghiệp (25,45%). Đặc biệt các Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chỉ khoảng 22% tiếp cận được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm