Lợi dụng tri ân, khuyến mãi...để lừa đảo gia tăng

Tại hội thảo và triển lãm quốc tế về An ninh mạng Việt Nam 2020 vừa tổ chức, Đại tá Nguyễn Ngọc Cương - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết số lượng tội phạm mạng trong lĩnh vực thanh toán điện tử, tài chính, ngân hàng đang có nguy cơ tiếp tục gia tăng.

Theo thống kê của Bộ Công an, kể từ đầu năm tới nay đã có 540 vụ lừa đảo xảy ra tại 56 địa phương. Hoạt động giả danh cơ quan thực thi pháp luật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng có xu hướng tăng mạnh.

Đáng chú ý, số lượng tội phạm mạng trong lĩnh vực thanh toán điện tử, tài chính, ngân hàng tiếp tục gia tăng. Phương thức chủ yếu của loại tội phạm này là sử dụng lợi ích từ các chương trình tri ân, khuyến mãi để gửi tin nhắn chứa link giả mạo. Ngoài ra, chúng còn dùng SIM rác giả mạo nhân viên ngân hàng, báo lỗi và yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu, mã OTP…

Cũng theo số liệu của Trung tâm giám sát và phản ứng trên không gian mạng (Công ty An ninh mạng Viettel - VCS), tính đến hết tháng 8-2020, đơn vị này đã phát hiện hơn 3 triệu cảnh báo tấn công mạng vào các hệ thống tài chính, ngân hàng, mạng công nghệ thông tin một số tỉnh thành trên cả nước. Đáng lưu ý là các hệ thống tài chính, ngân hàng chiếm 90% số lượng cảnh báo. Trong khi đó cảnh báo đến từ hệ thống CNTT các tỉnh thành chỉ chiếm tỷ lệ 10%. 

Ngoài ra, Đại tá Nguyễn Ngọc Cương cảnh báo về hoạt động thanh toán xuyên biên giới hiện vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ tại Việt Nam dẫn tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ về loại hình tội phạm trốn thuế, rửa tiền.

Ông Vũ Đình Thu, Trưởng phòng đánh giá an ninh mạng cho biết: Các cuộc tấn công mạng diễn ra liên tục, hình thức tinh vi và quy mô thì cũng đa dạng gây thiệt hại khoảng 400 tỷ USD mỗi năm. Đối với tình hình an ninh mạng trong nước, số lượng các cuộc tấn công vào các mạng của các cơ quan Chính phủ, Nhà nước liên tục tăng với các hình thức đa dạng và kỹ thuật tinh vi như tấn công APT, tấn công khai thác lỗ hổng; tấn công từ chối dịch vụ.

Dẫn chứng số liệu thống kê của Kasspersky, ông Thu cho biết hiện Việt Nam nằm trong số các quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong các năm gần đây 2018, 2019, 2020. Và Việt Nam là quốc gia đứng số 4/10 quốc gia có nguy cơ bị lây nhiễm mã độc qua mạng và 1/10 các quốc gia bị lây nhiễm mã độc từ sử dụng các thiết bị Flash Disk, các thiết bị lưu trữ rời.

Các chuyên gia khuyến nghị, khách hàng cần thận trọng khi nhận thông tin qua email, tin nhắn, gọi điện thoại, tin nhắn mạng xã hội. Không mở các tập tin hoặc truy cập (click) vào đường link gửi kèm những email, tin nhắn chứa thông tin không rõ nguồn gốc hay các đường link liên kết đến các trang web trực tuyến nghi ngờ giả mạo… Xóa bỏ ngay các tin nhắn, email này (kể cả trong phần các mục đã xóa) và báo tin kịp thời đến các cơ quan chức năng để thực hiện điều tra tội phạm.

Hiện các ngân hàng liên tiếp gửi thông báo cảnh báo đến khách hàng qua tin nhắn hoặc email. Theo đó, ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền: Kiểm tra chính xác thông tin đơn vị nhận tiền (tên đơn vị nhận tiền, tài khoản của đơn vị nhận tiền, ngân hàng nhận tiền); thông báo kịp thời với người nhận tiền về việc đã chuyển tiền thành công bằng các cách như fax, điện thoại, tin nhắn, email…

Đồng thời thường xuyên cập nhật các phần mềm diệt virus, các phiên bản cập nhật có bản quyền chính thức của hệ điều hành, trình duyệt cho máy tính, điện thoại và thiết bị điện tử sử dụng cho các giao dịch tài chính. Thường xuyên theo dõi thông tin giao dịch ngân hàng và đăng ký các dịch vụ để kiểm soát thông tin, đảm bảo giao dịch trực tuyến an toàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm