Phương Nam ngậm ngùi chia tay CGV: Vì sao?

Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam là đơn vị đang vận hành chuỗi rạp chiếu phim CGV - cụm rạp có quy mô hoạt động lớn nhất tại thị trường Việt Nam.

Khó khăn

Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) vừa thống nhất bán 12,5% vốn góp tại Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam với giá dự kiến 160 tỉ đồng. Trên sổ sách, giá trị phần vốn này là 19,2 tỉ đồng. Bên mua là Công ty Cổ phần Đầu tư Kim Cương Đen. Thời gian thanh toán và chuyển nhượng trước ngày 5-7.

Là một ông lớn trong làng văn hóa giải trí với kinh doanh đa mảng, từ hệ thống bán lẻ văn hóa phẩm, sách cho đến kinh doanh phim, nhưng Phương Nam chỉ kiếm được những khoản lợi nhuận rất thấp, chưa đầy 1% so với doanh thu làm ra, thậm chí năm 2117 lỗ rất nặng, lên đến 66 tỉ đồng. Và tính riêng quý 1-2018 cũng đã lỗ 1,7 tỉ đồng.

Ông Đặng Bá Tùng, Chủ tịch HĐQT Phương Nam, lý giải phải bán số vốn góp tại CGV rằng tình hình tài chính công ty đang rất khó khăn. Tổng nợ hiện tại khoảng 693 tỉ đồng, gồm nợ ngắn hạn tại ngày 31-3 là 195 tỉ đồng vượt tài sản ngắn hạn; nợ phải trả đến ngày 18-5 là 321 tỉ đồng.

Chưa kể PNC còn khoản nợ với đối tác CJI gồm 7 triệu USD nợ gốc và 18,5 tỉ đồng lãi vay được thế chấp bằng toàn bộ phần vốn góp tại CGV đến hạn thanh toán 30-6, không được gia hạn.

“Việc bán cổ phần tại CGV là điều không mong muốn của ban điều hành” - ông Tùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, không còn giải pháp nào khác, vì theo ông Tùng, trước đó đề xuất tăng vốn điều lệ lên 300 tỉ đồng là phương cách để hoàn trả nợ vay và đảm bảo khả năng tài chính đã không được cổ đông chấp thuận. Vay ngân hàng cũng không được…

“Nếu không giải quyết kịp thời các khó khăn, Phương Nam sẽ không đủ nguồn hàng kinh doanh, cổ phiếu có thể bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu. Đồng thời phần vốn góp tại CGV có thể có nguy cơ rủi ro nếu không trả được nợ đúng hạn, có thể bị thu hồi nợ” - ông Tùng cho biết.

Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam là đơn vị đang vận hành chuỗi rạp chiếu phim CGV - cụm rạp có quy mô hoạt động lớn nhất tại thị trường Việt Nam. 

Ly kỳ phần vốn góp tại CGV

Trước đó, đằng sau cuộc tranh chấp “quyền lực” quyết liệt tại Phương Nam nằm ở phần giá trị vốn góp 12,5% của Phương Nam tại CGV - vốn được giới đầu tư định giá trên thị trường gần 20 triệu USD.

Theo đó, năm 2005, Phương Nam và Công ty Envoy Media Partners Limited (Envoy) hợp tác kinh doanh, thành lập Công ty TNHH truyền thông Megastar (Megastar).

Trong liên doanh này, với vốn pháp định là 4 triệu USD, Phương Nam góp vốn tỉ lệ 20%, tương đương 800.000 USD; còn Envoy góp 80%, tương đương 3,2 triệu USD.

Megastar được biết tới là cụm rạp có quy mô hoạt động lớn nhất tại thị trường Việt Nam. Rạp chiếu phim đầu tiên của Megastar tại Hà Nội ra mắt vào năm 2006, và đã phát triển hệ thống rạp chiếu lên đến 24 cụm rạp tại Việt Nam và chiếm 50% thị phần.

Đến năm 2006, thấy được tiềm năng phát triển nên Megastar muốn đầu tư phát triển thêm bằng cách nâng vốn pháp định lên, từ 4 triệu USD lên đến 8 triệu USD.

Và rắc rối cũng bắt đầu xuất hiện từ đây. Khi nâng vốn pháp định đồng nghĩa rằng để giữ được 20% vốn góp trong liên doanh Phương Nam phải bổ sung thêm tiền, cụ thể là 800.000 USD nữa.

Nhưng Phương Nam lại không có đủ lực để đóng góp nên quyết định chuyển nhượng phần góp vốn trước đây luôn cho Envoy. Tuy nhiên, điều này lại trái với giấy phép đầu tư (do còn vướng quy định giới hạn sở hữu nước ngoài không quá 80%) nên hai bên thực hiện con đường vòng là Envoy sẽ góp vốn thay cho Phương Nam là 800.000 USD (tương đương 10% vốn góp của Phương Nam), đồng thời trao cho Phương Nam một khoản tiền là 400.000 USD - được xem như là khoản tiền hỗ trợ cho Phương Nam, đứng dưới danh nghĩa là hợp đồng vay.

Đồng thời, hai bên đều có công văn lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp 10% từ Phương Nam cho Envoy. Nếu kế hoạch này được chấp thuận thì Phương Nam sẽ giữ lại 10% vốn góp và có thêm 400.000 USD. Còn ngược lại thì Phương Nam phải hoàn trả toàn bộ khoản tiền là 1,2 triệu USD cho Envoy.

Tuy nhiên, đến năm 2011, Envoy bán 92% cổ phần trong phần vốn góp trong liên doanh Megastar cho Công ty CJ (Hàn Quốc), đồng nghĩa với việc trao quyền quản lý cụm rạp Megastar cho CJ. Sau đó, CJ đổi tên Megastar thành CGV.

Dưới sự quản lý của CJ, cụm rạp CGV làm ăn rất có lời. Phương Nam thời điểm này làm ăn không hiệu quả trong khi liên doanh CGV hoạt động hiệu quả, có lãi cao nên muốn CJ chia cổ tức, trong khi CJ giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư cho các dự án mới.

Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) vừa thống nhất bán 12,5% vốn góp tại CGV. Ảnh minh họa

Để giúp Phương Nam vượt qua khó khăn và thoát khỏi việc hủy niêm yết trên sàn chứng khoán sau khi thua lỗ liên tục hai năm nên CJ giới thiệu Phương Nam đứng ra vay 7 triệu USD, với lãi suất là 4% từ Công ty CJI, với tài sản thế chấp là toàn bộ phần vốn góp của Phương Nam tại CGV. Đồng thời, CJ cũng hỗ trợ cho Phương Nam một khoản tiền là 600.000 USD thông qua một hợp đồng dịch vụ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm