Thiếu hụt thanh khoản cục bộ dịp cuối năm

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần 27/12 – 31/12 do Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố đầu giờ chiều nay 4-1 cho thấy, trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng 10.540 tỉ đồng thông qua mua kỳ hạn 14 ngày trên thị trường mở, lãi suất 2,5%/năm. Trong đó giao dịch tập trung vào ngày cuối cùng của tuần (9.980 tỉ đồng) do áp lực của thiếu hụt thanh khoản cục bộ trong giai đoạn cuối năm.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có biến động trái chiều, khi tăng mạnh ở kỳ hạn ngắn và giảm ở kỳ hạn trên 2 tuần. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm tiếp tục duy trì trên 1%, kết tuần ở mức 1,57% (tăng 20 điểm cơ bản), kỳ hạn 1 tuần là 1,76% (tăng 7 điểm cơ bản) trong khi kỳ hạn 2 tuần giảm 2 điểm cơ bản (1.87%) .

Trong khi đó, cập nhật số liệu mới nhất từ NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 27-12 đạt 12, 97% so với cuối năm 2020, cao hơn so với mức 12,17% của năm 2020, tương đương với khoảng 202.000 tỉ đồng tín dụng mới bổ sung cho nền kinh tế trong 4 tuần qua.

Như vậy, tín dụng đã cho thấy mức tăng trưởng tích cực hơn kỳ vọng, khi đã tăng gần 470.000 tỉ đồng chỉ trong vòng 3 tháng sau khi nới lỏng giãn cách xã hội. Nhờ vậy, NHNN dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 có thể đạt gần 14%. Yếu tố này hỗ trợ cho nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP tương đối khả quan trong trong quý 4 (5,22% so với cùng kỳ năm ngoái– cao hơn mức tăng trưởng 4.61% vào quý 4 năm ngoái).

Trong năm 2022, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ra ở mức 14% - tương đương với mức mục tiêu mà NHNN đặt ra trước dịch Covid (cho năm 2019 và 2020), cho thấy kỳ vọng về sự phục hồi tín dụng cũng như tín hiệu NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng. Trong thông báo mới nhất của Chính phủ về Gói phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 – 2023, chính sách tiền tệ sẽ tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong 2 năm.

Trong báo cáo vĩ mô và dự báo thị trường năm 2022 của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố cho thấy lãi suất huy động tại các ngân hàng trong 12 tháng qua tiếp tục giảm xuống múc thấp nhất lịch sử, trung bình năm 2021 giảm 1 điểm phần trăm so với mức trung bình của năm 2020. Lãi suất huy động thấp nhất lịch sử có thể là nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tiếp tục tăng chậm lại (10 tháng đầu năm chỉ tăng 3,08% trong khi trung bình cùng kỳ các năm gần đây tăng trên 10%).

Một phần dòng tiền gửi từ dân cư đã chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán. Do đó, đối với năm 2022, ngoài áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã đang có xu hướng tăng mạnh cùng với triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ khiến NHNN phải tăng lãi suất điều hành.

Tuy nhiên, NHNN nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất điều hành ở mức mềm mỏng hơn để vẫn có thể hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế, trước những rủi ro tiềm ẩn từ đại dịch Covid-19.

BVSC dự báo, mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng tăng nhẹ trở lại (quanh 0,25%-0,5%), nhất là trong nửa cuối của năm 2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm